Cơ sở pháp lý quản lý nguồn thu của doanh nghiệp nhà nước
Hệ thống các quy định về quản lý và sử dụng nguồn thu từ vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như: Hệ thống Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã quy định những khoản thu nhập từ vốn Nhà nước về NSNN là gồm: Các khoản thu nhập từ vốn góp, các khoản thu hồi vốn, khoản sử dụng vốn NSNN, cho vay từ NSNN đều được thu về ngân sách Trung ương (Luật NSNN năm 1996, Luật NSNN năm 1998). Tuy nhiên đến Luật NSNN năm 2002, khoản thu này được phân cấp thu về NS Trung ương đối với khoản đầu tư từ ngân sách Trung ương và thu về ngân sách địa phương đối với khoản đầu tư từ ngân sách địa phương.
Các văn bản quy phạm quy định về cổ phần hóa (CPH) trong giai đoạn từ 1996 cho đến nay cũng đã quy định, các khoản thu từ bán, chuyển nhượng trong quá trình CPH DNNN. Theo đó, tùy từng giai đoạn CPH, quy định về sử dụng các khoản phải thu từ CPH được quy định phù hợp trên cơ sở khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện và mục tiêu CPH của từng giai đoạn nhưng theo một nguyên tắc chung là đều phải nộp vào NSNN trực tiếp. Đối với khoản thu nhập từ vốn nhà nước đầu tư, Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính phân theo tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư (100% vốn Nhà nước và DN có vốn góp Nhà nước).
Đối với DN 100% vốn nhà nước: Trong giai đoạn từ năm 2000 trở về trước, các DNNN hoạt động theo Luật DNNN 1995. Khoản thu từ vốn Nhà nước đầu tư được quy định nộp về NSNN tiền thu về sử dụng vốn Nhà nước. Trong đó, nêu rõ phần lợi nhuận còn lại được để lại DN để tái đầu tư thông qua việc phân bổ vào các Quỹ tại DN (Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính…). Khoản thu về sử dụng vốn Nhà nước sau đó được bãi bỏ và quy định lại việc phân phối lợi nhuận theo tỷ lệ vốn Nhà nước và vốn tự huy động (Nghị định số 199/2004/NĐ-CP; Nghị định 09/2009/NĐ-CP). Phần lợi nhuận chia theo vốn Nhà nước được để lại DN tái đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, hoặc điều chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). DN chỉ được sử dụng phần lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ thưởng ban quản lý điều hành và quỹ khen thưởng, phúc lợi. Quy định này đã làm nảy sinh những vướng mắc, bất cập, tạo áp lực cho DN kinh doanh có hiệu quả nhưng có sự đối lập về vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tự huy động. Để tăng cường công tác quản lý vốn, Nghị định số 71/2013/NĐ-CP đã quy định tổng hòa lợi nhuận từ vốn nhà nước đầu tư và vốn DN tự huy động nhằm khắc phục hạn chế của Nghị định số 09/2009/NĐ-CP. Phần lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện phân chia các khoản theo quy định sẽ được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Đối với DN có phần vốn góp của Nhà nước: Khoản thu nhập từ vốn góp của Nhà nước được chuyển vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và CPH DNNN hoặc chuyển cho DNNN có vốn góp vào DN khác (Nghị định số 73/2000/NĐ-CP; Nghị định số 199/2004/ NĐ-CP), hoặc khoản thu lợi nhuận được chia được quy định chuyển cho công ty có vốn góp vào DN khác mà không nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN (Nghị định số 09/2009/NĐ-CP) và quy định lại về khoản thu nhập từ vốn góp phải được nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trong Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.
Trong 2 năm 2013 - 2014, ứng phó với những khó khăn về thực hiện nhiệm vụ thu của NSNN, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2013/QH13 về điều chỉnh dự toán NSNN năm 2013 thực hiện thu NSNN đối với cổ tức được chia năm 2013 của các công ty cổ phần có phần vốn góp của Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo đó, Nghị định số 204/2014/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN năm 2013 và 2014. Nghị định quy định thu vào NSNN số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước theo quyết toán tài chính năm 2013 và 2014, cộng cả số cổ tức các năm trước được chia trong hai năm này. Nguồn thu này được điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương. Đồng thời, toàn bộ số cổ tức đã thu về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN từ đầu năm đến ngày 10/12/2013, các khoản phát sinh nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN và sau ngày 10/12/2013 SCIC phải nộp về NSNN. Đối với lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, phần lợi nhuận còn lại của năm 2013 và 2014 nộp về NSNN sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định.
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2012 là 1.348.752 tỷ đồng, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Khuyến nghị một số giải pháp
Có thể nói, các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ vốn nhà nước đầu tư tại DN đã được điều chỉnh, thay đổi, bổ sung cho phù hợp từng thời điểm. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn, cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hội nhập. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ vốn nhà nước đầu tư tại DN có hiệu quả. Theo đó, cần phải ban hành Luật Đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó: (1) Quy định cụ thể các khoản thu từ đầu tư vốn Nhà nước, thoái vốn, bán DN và chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại DN trên cơ sở phù hợp với các quy định của các Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật DN nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống quy định; (2) Phạm vi của Luật Đầu tư, quản lý vốn Nhà nước phải bao gồm cả đơn vị sự nghiệp nhằm điều chỉnh lợi nhuận của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp đặc thù, yêu cầu nộp một phần về NSNN, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Thứ hai, xây dựng quy định về mức thu đối với phần lợi nhuận từ đầu tư vốn nhà nước về NSNN. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia đều có quy định DN có vốn nhà nước đầu tư có trách nhiệm nộp một phần lợi nhuận sau thế về NSNN với mức thu cứng hay mềm tùy mục tiêu, chiến lược của mỗi nước. Theo xu hướng chung, Chính phủ cần đưa quy định các DN có vốn nhà nước đầu tư bắt buộc phải nộp một phần theo tỷ lệ được quy định linh hoạt hàng năm dựa trên mục tiêu, chiến lược, tình hình phát triển kinh tế của đất nước, nhằm gắn kết trách nhiệm của các DN có vốn nhà nước đầu tư với phát triển kinh tế đất nước...
Thứ ba, quy định phương thức thu đối với khoản thu từ lợi nhuận được chia. Nghị định số 204/2013/ NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN năm 2013 và 2014 cũng như Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 204/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ trường hợp DN nộp cổ tức đối với phần vốn Nhà nước đầu tư bằng cổ phiếu về xác định giá cổ phiếu, thời điểm xác định giá cổ phiếu và xử lý các khoản chênh lệch tăng, giảm của giá cổ phiếu khi quy đổi cũng như cách thức hạch toán khoản cổ tức được trả bằng cổ phiếu phải nộp cho NSNN.
Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, quy định nộp phần lợi nhuận được chia từ vốn nhà nước đầu tư vào DN bằng tiền mặt để nộp vào NSNN với tỷ lệ, nguyên tắc áp dụng và số tiền ước tính cụ thể. Vì vậy, các quy định về thu NSNN đối với cổ tức được chia cần quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng, mức tiền phải nộp, thời hạn nộp vào NSNN, cụ thể như: Khoản cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu phải được nộp về NSNN bằng tiền mặt và theo tỷ lệ phần trăm cổ phần Nhà nước có tại DN. Chính phủ quy định tỷ lệ hàng năm dựa trên tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào DN đó.
Tài liệu tham khảo:
1. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan từ 1996 đến nay;
2. Sách Tài chính Việt Nam 2014, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính.
Giải pháp quản lý, nguồn thu từ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
(Tài chính) Với vai trò là nòng cốt, chủ lực của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước luôn được quan tâm, hỗ trợ trên mọi phương diện. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp nhất định thì khu vực này giờ đây đang bộc lộ nhiều bất cập, gây thất thoát và lãng phí vốn Nhà nước. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường quản lý nguồn thu từ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Xem thêm