Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm chính tại tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, một số các sản phẩm xuất khẩu chính đã được xác định rõ ràng và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian qua như: nhân điều, tôm đông lạnh…
Bài viết đánh giá về thực trạng xuất khẩu của những mặt hàng này trên địa bàn Tỉnh, từ đó, đưa ra định hướng và một số giải pháp cho hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2035.
Thực trạng xuất khẩu một số sản phẩm chính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận đạt 100% kế hoạch đề ra (85 triệu USD), tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong năm 2018 chủ yếu là 2 mặt hàng thủy sản và nhân điều. Trong đó, hoạt động xuất khẩu nhân điều vào thị trường các nước: Mỹ, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc… ổn định trở lại; kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân đạt 41 triệu USD, tăng 0,2% so với năm trước. Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu ước đạt 37 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mức tăng trưởng khá, đạt 17,65% với tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 100 triệu USD, hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đề ra.
Tính riêng 6 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 38,8 triệu USD, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2019 và đạt 48,5% so kế hoạch (80 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ: hàng thủy sản ước đạt 11,5 triệu USD, tăng 43,3%; hàng dệt, may ước đạt 12,8 triệu USD, tăng 2,85 lần. Các mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ: Nhân điều ước đạt 13,8 triệu USD, giảm 34%; mây tre, cói, thảm ước đạt 0,08 triệu USD, giảm 5,81%; mặt hàng khác ước đạt 0,6 triệu USD, giảm 5,56%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore...
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ, nhất là mặt hàng thủy sản tăng cao so cùng kỳ do đã có đơn hàng được cung cấp trong tháng 1 và 2 năm 2020 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng cao điểm của dịch Covid-19). Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu mặt hàng nông sản nhân điều gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm cho chuỗi cung ứng thị trường xuất khẩu bị đứt gãy.
Hiện nay, quá trình kiểm soát dịch bệnh Covid -19 đã ổn định, kinh tế dần khôi phục hoạt động trở lại. Quá trình hội nhập của Việt Nam tiếp tục diễn ra tích cực, đặc biệt là Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực đầu tháng 8/2020 sẽ tạo động lực cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy sản, Ninh Thuận đang có thế mạnh về mặt hàng tôm đông lạnh. Hiện Ninh Thuận có trên 1.000 ha sản xuất tôm thương phẩm, với sản lượng khoảng 10.000 tấn; sản xuất tôm giống với sản lượng trên 34 tỷ con. Tôm đông lạnh chế biến là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ 2 của tỉnh, chiếm 43,5% trong tổng cơ cấu xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận, trong đó chủ yếu là sản phẩm của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh tại Ninh Thuận, chiếm hơn 95% trị giá kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh (Đoàn Sỹ, 2020).
Bên cạnh kết quả đạt được hoạt động xuất khẩu nói chung, các sản phẩm chính nói riêng tại Ninh Thuận còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có quy mô nhỏ và vừa. Ngoài ra, trình độ công nghệ hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu này còn lạc hậu. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Thuận.
Vấn đề đặt ra và giải pháp cải thiện hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính giai đoạn 2020-2030
Nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, tính đến năm 2035, theo nhóm tác giả, cần có các giải pháp sau:
Cải thiện một số sản phẩm xuất khẩu chính
Nhân điều: Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng phổ biến hiện nay trên địa bàn Tỉnh là điều nhân rang muối, tẩm mật ong, tẩm wasabi… Tuy nhiên, với trình độ công nghệ hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa tại Ninh Thuận, theo nhóm tác giả, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm điều rang muối trước, sau đó phát triển các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao hơn.
Đồng thời, Ninh Thuận nên bắt đầu thử nghiệm và xuất khẩu điều hữu cơ. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dần từ điều thông thường sang sản phẩm hữu cơ - Organic. Trung bình, một vườn điều trồng theo mô hình organic sẽ có sản lượng thấp hơn nhưng ngược lại chất lượng cao hơn và đặc biệt là giá cao hơn 60% so với điều thường. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, doanh nghiệp cần hướng tới sản xuất điều sạch theo hướng hữu cơ.
Tôm đông lạnh: Với xu hướng của thị trường nhập khẩu tôm đông lạnh hiện nay, các nước khu vực Địa Trung Hải thích những loại tôm nguyên con cỡ lớn, thường được nấu hoặc nướng, nguyên vỏ và đầu, điển hình như: tôm lột, tôm nguyên vỏ IQF, tôm đóng gói trong khay, tôm nguyên đuôi tẩm bột, tôm butterfly, tôm lột cuộn vòng, thịt tôm nướng, tôm xiên nướng…
Thực hiện các cơ chế kiểm soát chất lượng (bị tác động bởi các chỉ thị của EU) các nước đang phát triển đang cải thiện niềm tin của người tiêu dùng châu Âu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh ở Ninh Thuận nên chú trọng và đẩy mạnh vào việc xuất khẩu tôm nguyên con cỡ lớn, hoặc chế biến các sản phẩm tôm đông lạnh như: tôm lột, tôm nguyên vỏ IQF, tôm đóng gói trong khay, tôm nguyên đuôi tẩm bột, tôm butterfly, tôm lột cuộn vòng, thịt tôm nướng, tôm xiên nướng…
Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư
Ninh Thuận cần tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn ODA, vốn viện trợ; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn trong các thành phần kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tăng quy mô vốn kinh doanh và tăng hiệu quả đầu tư.
Về cơ chế huy động vốn cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng xuất khẩu, đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định để đầu tư chợ; triển khai, áp dụng các quy định, chính sách ưu đãi, khuyến khích để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành xuất khẩu
Cần có các chính sách thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật đến làm việc lâu dài ở Ninh Thuận, đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành xuất khẩu, cần chú trọng công tác bồi dưỡng, sắp xếp lại và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước về xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng để trang bị về những kiến thức cần thiết; đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề; tổ chức đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý tại các kết cấu hạ tầng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Phát triển khoa học - công nghệ
Tỉnh Ninh Thuận xem xét dành một phần ngân sách địa phương hàng năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu phát triển kết cấu hạ tầng xuất khẩu...; nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các doanh nghiệp đầu tư đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học - kỹ thuật và tin học vào sản xuất và các lĩnh vực sản xuất cũng như quản lý, điều hành...
Trong quá trình nhập khẩu công nghệ, cần kiên quyết ngăn chặn việc nhập khẩu các công nghệ lạc hậu; thông qua việc đổi mới công nghệ để làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khu vực và địa phương
- Thúc đẩy liên kết với các thị trường ngoài nước: Chủ động tạo lập các mối liên kết song phương với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau đối với thị trường có tính chiến lược; nghiên cứu, vận dụng thích hợp các hiệp định cấp quốc gia, các văn bản thỏa thuận ký kết cấp Chính phủ giữa Việt Nam với các nước khác để phù hợp với các điều kiện của Tỉnh. Về phía doanh nghiệp trong Tỉnh cần chủ động tìm kiếm thị trường; xây dựng chiến lược kinh doanh quốc tế; liên kết giữa các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
- Giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường Ninh Thuận với thị trường các địa phương khác trong nước: Tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến xuất khẩu với các thị trường trọng điểm, thị trường các tỉnh lân cận; nghiên cứu đưa ra các điều kiện ưu đãi cho các địa phương có mối quan hệ liên kết xuất khẩu với Ninh Thuận; chủ động trao đổi, ký kết các thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương khác về mua bán sản phẩm hàng hóa...
Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:
- Xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới; Đẩy mạnh tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận với các cơ sở nghiên cứu khoa học.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong Tỉnh tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất theo hình thức nhượng quyền xuất khẩu; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm cơ hội, tham gia xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức các hoạt động thúc đẩy du lịch kết hợp mua sắm.
- Thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thực thi chiến lược phát triển thương hiệu, lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực cạnh tranh để hình thành các doanh nghiệp xuất khẩu có ưu thế.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng công nghệ thông tin.
Khuyến khích phát triển xuất khẩu
- Thực hiện tốt hoạt động xúc tiến xuất khẩu: Xây dựng hệ thống thông tin thị trường tốt, hiện đại; tổ chức và giới thiệu các hình thức xuất khẩu mới; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, tham gia xuất khẩu hàng hóa.
- Xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp: Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian cung cấp các dịch vụ công; rà soát lại, xây dựng các cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi trong xuất, nhập khẩu; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tín dụng, tài chính đối với các doanh nghiệp.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà sản xuất, xuất khẩu vượt qua các rào cản xuất khẩu và phi xuất khẩu.
Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với xuất khẩu
- Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xuất khẩu.
- Đổi mới hệ thống tổ chức, mô hình quản lý và cơ chế chính sách để nâng hiệu quả quản lý nhà nước về xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
- Về công tác quản lý thị trường: Tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về thủ tục kinh doanh đối với những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh; theo dõi và nắm sát diễn biến thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trực tiếp trên các mặt hàng, chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, khuyến cáo, hướng dẫn cho người tiêu dùng.
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Ngoại thương trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, định hướng đến 2035".
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận (2018-2019), Báo cáo tình hình xuất – nhập khẩu các năm 2018, 2019;
2. Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận (2020), Báo cáo tình hình xuất – nhập khẩu 6 tháng năm 2020;
3. Đoàn Sĩ (2020), Ninh Thuận xuất khẩu tôm vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, https://vov.vn/kinh-te/ninh-thuan-xuat-khau-tom-vao-thi-truongeu-theo-hiep-dinh-evfta-778188.vov;
4. https://www.ninhthuan.gov.vn/News/Pages/Day-manh-phat-trien-xuat-khau.aspx;
5. http://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soct/Pages/Tinh-hinh-xuatnhap-khau-tren-dia-ban-tinh-6-thang-dau-nam-2020.aspx