Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ trong bối cảnh mới

Nguyễn Thị Bích Ngọc - Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Thương mại

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của nông sản Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trung bình 20%/năm, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thể mạnh như nông sản. Với việc quan hệ hợp tác được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện kể từ năm 2023, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư được coi sẽ đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương giữa hai nước, từ đó mở ra nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Bài viết trao đổi về tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong bối cảnh quan hệ 2 nước bước sang giai đoạn mới.

Thực trạng xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ

Tiềm năng thị trường

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của nông sản Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Với việc quan hệ hợp tác được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện kể từ năm 2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với kết quả xuất khẩu khá tích cực đến thị trường khó tính này trong thời gian gần đây, có thể khẳng định, chất lượng nông sản của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường Hoa Kỳ cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, đồng thời là “bệ phóng” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Mỹ. Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam. Sự tăng trưởng và chiều sâu của mối quan hệ thương mại giữa hai nước được tạo nên bởi sự kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tình hình xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông - lâm - thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của ngành. Năm 2023, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ hai, sau Trung Quốc, khi mà xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2023, kim ngạch thương mại nông nghiệp song phương đã đạt hơn 5,5 tỷ USD – một con số khá ấn tượng so với các thị trường khác. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của nông - lâm - thủy sản Việt với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Con số này là tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn đặc biệt sau khi quan hệ hợp tác giữa hai nước được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện kể từ năm 2023. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, xoài... nhưng Hoa Kỳ không có thế mạnh để sản xuất. Chẳng hạn, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA, 2023), nhu cầu nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2019-2023, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1% về trị giá. Trong năm 2023, nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ đạt 746,4 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng ngoài Top 10 thị trường lớn cung cấp xoài cho Hoa Kỳ khi lượng xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất thấp. Cụ thể, xoài Việt Nam chỉ chiếm 0,1% tỷ trọng xoài tươi; 0,4% tỷ trọng xoài chế biến và 1% tỷ trọng xoài đông lạnh; 0,7% tỷ trọng xoài xấy khô nhập khẩu của Hoa Kỳ. Như vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế thì cơ hội xuất khẩu xoài sang thị trường khó tính này rất triển vọng.

Khó khăn, thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024), Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, có sức tiêu thụ rất lớn, là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, để xâm nhập vào được thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:

- Thị trường tiêu dùng có nhiều khó khăn: Thị trường hiện đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và sức mua trên toàn cầu đang suy giảm do rủi ro lạm phát và khó khăn của các nền kinh tế lớn, trong đó có Hoa Kỳ.

- Hàng nông sản của Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu: Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt (2024), qua khảo sát các siêu thị tại Hoa Kỳ cho thấy, nhu cầu các loại nông sản của Việt Nam tại đây rất lớn nhưng đa số đều được tiêu thụ dưới thương hiệu của nước ngoài. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu về rồi chế biến sâu, hoặc đóng nhãn mác của họ. Đây là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và những người làm thương hiệu tại Việt Nam.

- Chất lượng hàng nông sản còn nhiều vấn đề: Nông sản Việt khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay gặp vấn đề chất lượng không đồng đều. Thực tiễn cho thấy, thường các lô đầu có thể chất lượng rất ổn, nhưng rồi đến các lô hàng sau lại “thiếu ổn định”, thậm chí có lô hàng phải bỏ đi phần lớn. Nguyên nhân được chỉ ra khá nhiều, trong đó cơ bản là do công tác bảo quản, chẳng hạn như chất lượng hàng rau quả, trái cây, trên đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương bị suy giảm mạnh do container mất lạnh.

- Rủi ro từ hoạt động giao thương: Hiện nay, hình thức xuất khẩu của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là xuất nợ, thu tiền sau. Vậy nên khi gặp phải lô kém chất lượng, đối tác sẽ từ chối thanh toán, phía doanh nghiệp Việt Nam dễ mất trắng.

- Vấn đề thủ tục, giấy tờ chứng thực tiêu chuẩn thực phẩm, nông sản: Hoa Kỳ yêu cầu tất cả những mặt hàng nông sản nhập khẩu phải đạt phẩm cấp theo tiêu chuẩn của Ban Thị trường thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USUA). Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ phải đăng ký chất lượng với Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh để được cấp mã số kinh doanh của FDA, đăng ký người đại diện tại Mỹ. Ngoài ra, trong Luật An ninh trang trại và Đầu tư nông thôn năm 2002, Mỹ đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với việc ghi nhãn về nước xuất xứ (COOL). Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là phải đăng ký với FDA về cơ sở sản xuất đóng gói sản phẩm của mình; phải đảm bảo ghi nhãn phù hợp với FDA.

- Nguy cơ đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại: Thời gian qua, các cơ quan của Hoa Kỳ tăng cường sử dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế để áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nước này. Hoa Kỳ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (truy xét nguồn gốc bông của hàng Dệt may, tránh nguy cơ bị cấm xuất khẩu, truy xét tôm có được trợ cấp…). Trong danh sách 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại năm 2023 mà Bộ Công Thương vừa công bố có đến 17/18 mặt hàng là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Đề xuất giải pháp

Đối với cơ quan quản lý

- Cần có chính sách hỗ trợ cả về pháp lý, tín dụng, khoa học công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tăng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng cho nông sản.

- Tiếp tục hỗ trợ, hoặc có cảnh báo sớm cho doanh nghiệp xuất khẩu trước xu thế gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Qua đó, có thể giúp doanh nghiệp giữ được lợi thế và hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và ứng phó tốt với các vụ điều tra.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của nông - lâm - thủy sản Việt với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Con số này là tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Đối với các hiệp hội ngành hàng

- Phối hợp tập huấn hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu về các quy định mới về vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thủ tục hải quan của Hoa Kỳ.

- Phối hợp với sức chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại, hiệp hội ngành hàng liên quan trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại...

- Các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực kinh doanh của mình có những đối tác hàng nhập khẩu từ phía Hoa Kỳ mà có quan hệ tốt với Hiệp hội, doanh nghiệp thì thuyết phục họ có đề xuất ủng hộ trong việc sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả quá trình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu

- Cơ quan hải quan chỉ có thể cấp phép nhập cho các sản phẩm vào Hoa Kỳ sau khi đã được Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) và Cơ quan Quản lý về Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) kiểm tra tại nơi nhập khẩu. Để đẩy nhanh thời gian xử lý ở cửa khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hoàn tất một số thủ tục hải quan nhất định trước khi vận chuyển. Ví dụ, thông qua Dịch vụ Quốc tế của APHIS mà hiện nay có thể thực hiện tại một số nước để khai báo trước chứng từ nhập khẩu như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Các nhà xuất khẩu cũng có thể sử dụng Hệ thống Thương mại tự động do Hải quan Mỹ xây dựng nhằm hoàn tất chứng thư điện tử. Với thủy sản tươi sống, đông lạnh, doanh nghiệp cần có thêm giấy phép của Cơ quan Quản lý Cá và Động vật hoang dã (USFWS). Cơ quan này sẽ xác nhận việc sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về đánh bắt hợp pháp, về kiểm soát hóa chất trong quá trình nuôi trồng...

- Quan tâm đầu tư đến công tác phát triển thương hiệu và nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không nên bỏ mặc việc đó cho đơn vị nhập khẩu. Bởi Hoa Kỳ là thị trường có độ cạnh tranh cao, để thương hiệu Việt chiếm lĩnh, thay thế cho những thương hiệu sản phẩm mà người tiêu dùng Hoa Kỳ vốn đã quá quen thuộc là việc không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên, chủ động theo dõi kỹ những biến động trong thị hiếu, nhu cầu, hành vi người tiêu dùng.

- Doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thật sự tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh, cẩn thận các quy định về Luật chống khủng bố sinh học; việc đăng ký, đại diện tại Hoa Kỳ, thông báo trước; ghi nhãn, định dạng, ngôn ngữ; hệ thống phân tích và kiểm soát nguồn nguy hại và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMPs); … và các quy định khác liên quan đến an toàn thực phẩm của FDA để tránh mắc các lỗi gây cản trở quá trình xuất khẩu nông sản.

- Để giữ được lợi thế và hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và ứng phó tốt với các vụ điều tra, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ, sổ sách giấy tờ và kiến thức pháp luật, phối hợp tốt trong công tác thông tin. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại, hiệp hội ngành hàng trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Nếu được đưa vào danh sách có nguy cơ bị khởi kiện, doanh nghiệp cũng cần chủ động trang bị các kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Hạnh (2024). Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ: Những lưu ý cho doanh nghiệp Việt. Báo Công Thương điện tử. https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-vao-hoa-ky-nhung-luu-y-cho-doanh-nghiep-viet-310378.html;
  2. Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol. Xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ cần gì? Các quy định mới nhất. https://vnce.vn/xuat-khau-nong-san-sang-hoa-ky-can-gi;
  3. Tiến Anh (2023). Khai thác thị trường Mỹ cho nông sản Việt Nam. Báo Nhân dân điện tử. https://nhandan.vn/khai-thac-thi-truong-my-cho-nong-san-viet-nam-post766790.html.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023