Quan hệ thương mại Việt - Trung: Thực trạng và giải pháp
Trung Quốc là quốc gia hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam. Trong những năm qua, bức tranh thương mại Việt - Trung đã có nhiều sự đột phá và khởi sắc, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các tỉnh vùng cao, miền núi, biên giới và kinh tế Việt Nam. Bài viết đánh giá về thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới.
Thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó, hoạt động thương mại giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Về xuất nhập khẩu
Trong giai đoạn 1991-2000, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Trung Quốc (trừ năm 1998, Việt Nam nhập siêu 74,9 triệu USD, chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc). Tổng xuất siêu của Việt Nam vào Trung Quốc giai đoạn này đạt 502,8 triệu USD, chiếm 12% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc và 0,7% so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước giai đoạn này. Đây là thời kỳ tốc độ tăng trưởng xuất siêu bình quân của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là khá cao (79,5%/năm).
Năm 2010, Trung Quốc chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 27,328 tỷ USD, trong khi Việt Nam cũng trở thành bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN. Năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Kể từ năm 2020, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc, tăng 2 bậc so với năm 2019. Đến năm 2022, con số này tăng lên 177,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 58,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 119,3 tỷ USD. Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,17 tỷ USD từ Trung Quốc. Đáng chú ý, với tổng kim ngạch 11,07 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch vượt chục tỷ USD trong tháng đầu năm.
Trong quan hệ thương mại, Việt Nam chủ yếu đóng vai trò cung cấp nguyên liệu và nông sản thô cho Trung Quốc, trong đó nhóm hàng trung gian (chiếm 51,5%, bao gồm khoáng sản, cao su, xơ sợi…), hàng tiêu dùng (chiếm 22,4%, bao gồm rau quả, thủy sản, gạo, sắn…). Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm bình quân 28,16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam... Trong khi đó, sản phẩm công nghiệp (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu) chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu. Liên tục trong những năm qua, Trung Quốc luôn ở vị trí dẫn đầu về cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam.
Như vậy, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, sản phẩm công nghiệp, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Về thương mại biên giới
Kể từ khi bình thường hóa, thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực sự là động lực góp phần vào việc phát triển quan hệ, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nói riêng. Sự phát triển của thương mại biên mậu đã góp phần gia tăng, thúc đẩy kênh giao lưu hàng hóa giữa hai nước. Thương mại góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập và sức mua dân cư các tỉnh biên giới, nhờ đó cũng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế - xã hội các địa phương này từng bước có nhiều chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo sức hấp dẫn, thu hút vốn FDI không chỉ của Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia trong khu vực vào Việt Nam.
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc - nơi có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới được tiến hành chủ yếu theo các hình thức: chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước (Vũ Huy Hùng, Hoàng Vĩnh Thắng, 2023). Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, do đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc tăng cường các hoạt động kiểm soát, phòng chống dịch trên cả hàng hóa và người đã khiến hoạt động giao thương hai nước qua biên giới rơi vào khó khăn, trong đó không ít thời điểm có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường. Trong giai đoạn này, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả đã giảm rất mạnh. Cụ thể, xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 1,84 tỷ USD (giảm 30,4%), năm 2021 đạt 1,9 tỷ USD (tăng 3,2%) và năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD (giảm 25%). Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm 2021 đến Tết Nguyên đán 2022 và trong những tháng đầu năm 2022, thời điểm Lệnh 248 và 249 về siết chặt quy định xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực, tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng. Tình trạng này đã khiến DN và người dân của Việt Nam thiệt hại hàng triệu USD do hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ.
Cơ hội và thách thức
Nhìn lại kết quả hoạt động thương mại của Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy một số cơ hội và thách thức trong thời gian tới:
Về cơ hội
- Hai nước tiếp tục phát huy những thành quả của quan hệ ngoại giao và lợi thế sẵn có cả về vị trí địa lý, văn hóa, nhu cầu người dân hai bên để mở đường cho thương mại phát triển.
- Hai nước có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, cùng hướng tới tăng trưởng bền vững và ổn định, chính sách ngày càng hoàn thiện. Việc tăng cường hoạt động thương mại đều cơ bản là chủ trương lớn của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, ngoại giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai bên.
- Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, tham gia ký kết nhiều FTA quan trọng, tạo sức hút thúc đẩy thương mại phát triển. Không chỉ là bạn hàng lớn nhất, dễ tính nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, Việt Nam trở thành thị trường bên ngoài hoàn hảo cho hàng hóa Trung Quốc vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp.
- Việt Nam vẫn cần nguyên vật liệu rẻ để phục vụ cho sản xuất của nền kinh tế trong khi Trung Quốc có khả năng cung cấp đầy đủ, đa dạng về chủng loại; giá cả hợp lý; vận chuyển cũng dễ dàng và chi phí khá thấp...
Về thách thức
- Sản xuất và kinh doanh thương mại của Việt Nam vẫn lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ yếu cũng cho thấy Việt Nam đang quá phụ thuộc vào thị trường này cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
- Hiểu biết về thị trường, về các qui định, chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc của DN Việt Nam còn hạn chế. DN xuất nhập khẩu của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thị trường Trung Quốc cao do chính sách thay đổi khó dự báo, đặc biệt với biên mậu.
- Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, chưa kiến tạo được hệ thống phân phối và phụ thuộc hoàn toàn vào các DN sở tại.
- Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị có công nghệ và chất lượng ở mức trung bình như Trung Quốc về dài hạn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và toàn chuỗi cung ứng. Nhóm hàng máy móc thiết bị luôn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc chứng tỏ nỗi lo trở thành bãi đáp cho máy móc lạc hậu từ nước láng giềng vẫn hiện hữu.
Đề xuất giải pháp
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
- Cần có các chính sách hợp lý, tạo điều kiện để các tập đoàn, DN lớn có uy tín, có thực lực của Trung Quốc vào Việt Nam cùng hợp tác, liên doanh, đầu tư vào những nhóm hàng mà Việt Nam có tiềm năng và Trung Quốc có nhu cầu để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và ổn định thị trường tiêu thụ.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới, đảm bảo thông thoáng, không chồng chéo. Khuyến cáo các địa phương có nông sản xuất khẩu chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.
- Xây dựng quy chế về quản lý kiểm dịch,vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu cùng hệ thống giám sát, kiểm tra và công nhận từ khâu sản xuất để đảm bảo quy mô, chất lượng và nâng cao uy tín hàng hóa.
- Thành lập thêm cửa khẩu phụ để mở rộng phát triển kinh tế - xã hội của hai bên biên giới. Tiếp tục khai thác và gia tăng sự hợp tác về đường sắt, đường bộ, đường sông và đường hàng không.
- Phát huy tốt vai trò của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung và các cơ chế hợp tác liên quan; thực hiện tốt các văn kiện hợp tác kinh tế thương mại song phương như “Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, “Hiệp định thương mại biên giới”; “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản”...
- Đẩy nhanh các cuộc đàm phán, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu chính thức các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình giao thương.
- Tăng cường cập nhật và dự báo chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ, chiến lược phát triển ngành, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Triển khai nhanh các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận. Các DN lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.
- Tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, chào hàng thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm (Hội chợ Thương mại ASEAN - Nam Ninh - Quảng Tây; Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2018; Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh, Vân Nam…) và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc...
- Chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho DN và người dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Vũ Huy Hùng, Hoàng Vĩnh Thắng (2023), Quan hệ thương mại Việt – Trung: Một chặng đường nhìn lại. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/quan-he-thuong-mai-viet---trung--mot-chang-duong-nhin-lai--phan-1--5011.4050.html;
- Đức Duy (2023), Thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc vượt 11 tỷ USD tháng đầu năm. Báo điện tử Vietnam+;
- Dương Hưng (2023), Gần 3 năm 'siết' biên giới, Việt Nam - Trung Quốc giao thương thế nào?. Báo Tiền phong điện tử;
- Thái Bình (2023), Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 175 tỷ USD. Tạp chí Hải quan điện tử.