Giải pháp ứng phó với những biến động của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Sự luân chuyển của các dòng vốn quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho các nước tiếp nhận như tài trợ đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... tuy nhiên, cũng tạo ra không ít tác động đến lạm phát, nhập siêu, tỷ giá…. Trước những biến động đó, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát và kiểm soát hiệu quả sự luân chuyển của những dòng vốn này có thể gây ra những bất ổn cho nền kinh tế, đặc biệt trong xu thế tự do hóa giao dịch vốn và toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay.
Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
Theo nhiều nghiên cứu, dòng vốn FDI có đặc tính ổn định hơn so với các dòng vốn ngắn hạn hoặc các dòng vốn nợ. Xét về các điều kiện để phát huy được lợi ích từ các dòng vốn quốc tế, thì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và mức độ phát triển và sự hoàn thiện của các thể chế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Hầu hết các nước đều có chính sách nhằm quản lý sự luân chuyển của các dòng vốn. Đối với Việt Nam, các dòng vốn đang có xu hướng quay trở lại kể từ năm 2015, trong đó có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Trong dòng vốn FDI giải ngân đã tăng từ mức 10-11 tỷ USD giai đoạn 2008-2013 lên mức 14,5 tỷ năm 2015 (Vốn đăng ký là 22,75 tỷ USD).
11 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh yếu tố môi trường kinh doanh được cải thiện và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn như: Samsung, LG, Emart, Lotte, Doosan... đã góp phần kéo dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trong những năm 2015-2016.
Dòng vốn FDI dù có tính chất ổn định hơn so với các dòng vốn khác, song quá trình thu hút dòng vốn này cũng đã bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, đối diện với áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực trong thu hút FDI. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vận hành, ASEAN trở thành thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và GDP hàng năm khoảng 2.500 tỷ USD qua các liên kết trên cơ sở sản xuất thống nhất như:
tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng. Đây là một thị trường lớn, tiềm năng mà các nhà đầu tư quốc tế đang hướng tới. Tuy nhiên, chắc chắn các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ lựa chọn một trong số các nước thành viên ASEAN có thị trường mới và môi trường kinh doanh tốt nhất để đầu tư.
Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong AEC chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar với các tiêu chí về chi phí và chất lượng lao động. Thậm chí, áp lực cạnh tranh với Myanmar cũng đã gia tăng. Lượng vốn FDI của nước này năm 2015 đã vượt Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong các ngành thủy sản, logistic…
Thứ hai, dòng vốn FDI tập trung khá lớn vào lĩnh vực bất động sản. Chín tháng đầu năm 2016, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, vấn đề đáng lưu ý là Trung Quốc đang đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản.
Núp dưới danh nghĩa đầu tư bất động sản, nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã và đang tập trung tại một số địa bàn nhạy cảm, trọng yếu, đặc biệt tại các tỉnh Đông Bắc và miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc mua hoặc thuê dài hạn (nhiều trường hợp tới 50 năm) nhiều đất rừng và các khu vực ven biển những nơi nhạy cảm về an ninh quốc gia là đáng lo ngại.
Thứ ba, trong lĩnh vực tài chính, dòng vốn này chảy vào Việt Nam rất hạn chế. Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2016, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này chỉ đạt 12,17 triệu USD chỉ chiếm khoảng 0,06% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tương tự, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp của toàn khu vực ASEAN đã tăng từ mức 384 triệu USD năm 2010 lên 4831 triệu USD trong năm 2015, tương ứng tăng 1148% nhưng dòng vốn FDI vào nông nghiệp của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2016 chỉ là 71,33 triệu USD, tương đương 0,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Đối với lĩnh vực tài chính, sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ xây dựng năng lực quản trị tiên tiến. Các ngân hàng trong nước sẽ được tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ áp dụng công nghệ ngân hàng, kỹ năng quản trị, phát triển sản phẩm mới.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, hợp tác giữa doanh nghiệp sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao; đồng thời, giúp Việt Nam sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, tạo thêm nhiều việc làm và đưa cách thức quản lý tiên tiến ứng dụng vào ngành Nông nghiệp.
Tuy nhiên, tỷ lệ vốn FDI đổ vào thấp cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm tới lĩnh vực này của Việt Nam và do vậy, cơ hội để hợp tác với doanh nghiệp tiếp cận cơ hội để tiếp cận công nghệ tiến tiến, thức quản lý tiên tiến là rất ít.
Thứ tư, năng lực lựa chọn dự án FDI phù hợp, không gây ảnh hưởng môi trường cũng là thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn dịch chuyển tự do hơn. Dòng chảy đầu tư thường đi cùng với dòng chảy thương mại, nhập khẩu máy móc thiết bị. Số vốn FDI cả nội khối và ngoại khối ASEAN vào Việt Nam nói chung đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, là kết quả của những cải thiện trong môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, thu hút FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án FDI nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (chiếm 80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao. Các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra.
Nhiều doanh nghiệp chưa tự giác tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, chỉ vận hành hệ thống xử lý chất thải khi cơ quan chức năng quản lý môi trường phát hiện và xử phạt. Sự kiện ở khu công nghiệp Formosa mới đây đã khiến dư luận hết sức quan tâm về mức độ thiệt hại và nguy hiểm đối với môi trường. Trong giai đoạn tới, Việt Nam vẫn là điểm đến của đầu tư FDI cả nội khối và ngoại khối, do vậy, việc nâng cao khả năng thẩm định, lựa chọn dự án FDI phù hợp là thách thức không nhỏ.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) đổ vào Việt Nam, nhìn chung vẫn còn hạn chế. Sau giai đoạn phục hồi năm 2012-2013, dòng vốn FPI tiếp tục rút khỏi Việt Nam trong năm 2014-2015 dưới tác động của cuộc khủng hoảng giá dầu và sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Việc phần lớn các thị trường chứng khoán (TTCK) đều giảm điểm, trong đó 2 sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến của Trung Quốc có mức giảm lên tới hơn 40% đã khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Nếu như năm 2013, nguồn vốn FPI ròng vào Việt Nam đạt gần 1,4 tỷ USD thì đến năm 2014 chỉ còn 100 triệu USD, thậm chí rút ròng hơn 60 triệu USD trong cả năm 2015.
Bước sang năm 2016, dù dòng vốn FPI đã quay trở lại song vẫn ở mức thấp. Tính đến hết 6 tháng năm 2016, dòng vốn FPI đạt 309 triệu USD nhờ vào sự phục hồi niềm tin của nhà đầu tư và triển vọng tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán.
Mặc dù, lượng vốn FPI chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong các dòng vốn vào Việt Nam, nhưng dòng vốn này cũng tiềm ẩn những rủi ro cần phải được lường trước, bao gồm:
(i) Khả năng gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá (đồng nội tệ lên giá và ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu) khi dòng vốn FPI vào nhiều;
(ii) Nguồn vốn FPI có thể tạo nên bong bóng giá không chỉ trên thị trường chứng khoán mà còn trên những thị trường tài sản khác như bất động sản, gây rủi ro tín dụng do lượng vốn dư thừa trong hệ thống…
(iii) Rủi ro dòng vốn đảo chiều khi bong bóng giá lớn trên các thị trường tài sản cộng với những yếu kém của hệ thống tài chính và của nền kinh tế. Ngoài ra, sự biến động của thị trường các nước cũng sẽ tác động để khả năng đảo chiều của dòng vốn này.
Để hạn chế những tác động tiêu cực
Nhìn chung, dòng lưu chuyển vốn quốc tế quá nhiều và biến động lớn sẽ đặt ra những thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong quản lý sự luân chuyển của các dòng vốn, các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi đều có thể đối mặt với những thách thức chính sách khi sử dụng các chính sách vĩ mô nội địa. Trong đó, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thường được áp dụng khi không gian chính sách còn nhiều, áp dụng các biện pháp liên quan đến tỷ giá và điều tiết dự trữ ngoại hối.
Đối với những trường hợp không gian chính sách bị giới hạn, các biện pháp thận trọng vĩ mô và các biện pháp kiểm soát vốn có thể được sử dụng. Do vậy, đối với Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro và thách thức đối với sự biến động của dòng vốn, trên cơ sở xem xét kinh nghiệm các nước và thực tiễn của mình, trong giai đoạn tới cần tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thu thập và xử lý thông tin về sự luân chuyển của dòng vốn nước ngoài kịp thời, chính xác để đáp ứng yêu cầu công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách. Để có thể điều tiết tốt sự di chuyển của dòng vốn nước ngoài cũng như hạn chế tác động của dòng vốn đến các yếu tố kinh tế vĩ mô lạm phát, tỷ giá… hay để đánh giá được mức độ ảnh hưởng, hệ thống thu thập dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên.
Đồng thời, cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các đơn vị có liên quan để xây dựng quy chế thông tin, thống kê, hệ thống hoá kịp thời số liệu luồng ngoại tệ ra - vào trong nước, từ đó dự báo về quan hệ cung - cầu trên thị trường để làm căn cứ điều hành chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối cũng như hạn chế tác động của dòng vốn đến lạm phát hay tác động của dòng vốn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, đối với dòng vốn FDI, cần xây dựng và thay đổi chiến lược thu hút FDI: Triển vọng dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam là khá lớn, trong giai đoạn tới cần rà soát lại các quy định về thu hút đầu tư FDI không chỉ từ khu vực AEC mà tất cả các nước và chỉ chấp nhận vốn FDI đi kèm công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động. Cần thay đổi quan điểm về thu hút FDI, không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, lành mạnh thị trường vốn: Cải thiện chất lượng nguồn cung chứng khoán, chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành...
Thứ tư, xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô và các chính sách thận trọng vĩ mô, chính sách quản lý vốn nhằm điều tiết và giảm thiểu sự biến động của các dòng vốn: Mặc dù vai trò của chính sách kinh tế vĩ mô đối với việc điều tiết dòng vốn, giảm áp lực lên lạm phát là cần thiết song vẫn chưa đủ nếu không gian chính sách bị giới hạn.
Do các chính sách thận trọng vĩ mô chủ yếu tập trung vào giám sát và đánh giá các rủi ro có thể xảy ra đối với (nhóm) định chế được giám sát, có tính đến tác động lan truyền rủi ro trong tương lai của đối tượng được giám sát tới các đối tượng khác trong hệ thống tài chính và trong nền kinh tế.
Vì vậy, phối hợp chính sách giám sát thận trọng vĩ mô với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô khác (chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ…) sẽ hỗ trợ quản lý tốt rủi ro hệ thống, từ đó có những đối sách phù hợp để giảm thiểu khả năng xảy ra khủng hoảng.
Tài liệu tham khảo:
1. Shumaila Nazir, Nadia Sarwar & Sami Ullah (2012), “Impact of Capital inflows on domestic inflation: A case study of Pakistan”;
2. Roberto Cardarelli, Selim Elekdag, & M. Ayhan Kosel (2009), “Capital Inflows: Macroeconomic Implications and Policy Responses Prepared”, IMF Working Paper;
3. Stephen Grenville, “Central banks and capital inflow”;
4. Erçakar, M. (2011), “Growth, Foreign Direct Investment, Trade and Inflation:An Empirical Application on Turkey”, EuroJournals Publishing;
5. European Central bank (2016), “Occasional Paper Series: Dealing with large and volatile capital flows and the role of IMF”.