Lý luận về ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành Công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Nghĩa là, nếu CNHT của một quốc gia phát triển mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc quốc gia đó đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu – chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi vậy, ưu đãi thuế đối với CNHT là việc làm cần thiết.
Ưu đãi thuế đối với CNHT có thể là ưu đãi trực tiếp riêng cho CNHT hoặc ưu đãi theo một tiêu chí khác trong đó, một doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực CNHT nếu đáp ứng các điều kiện cũng được hưởng ưu đãi này.
Các hình thức ưu đãi thuế có thể áp dụng đối với CNHT là: Miễn thuế, bao gồm cả miễn thuế tiêu dùng, thuế tài sản và thuế thu nhập, miễn thuế trong suốt thời gian hoạt động và miễn thuế có thời hạn; giảm thuế có thời hạn; thuế suất ưu đãi (mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông); tín dụng thuế đầu tư (khấu hao nhanh, hoàn thuế thu nhập cho tái đầu tư…).
Mục tiêu của ưu đãi thuế là tạo điều kiện giảm mức vốn đầu tư ban đầu hoặc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của DN trong hoạt động trong lĩnh vực CNHT thông qua giảm nghĩa vụ thuế cho DN. Ưu đãi thuế cũng có mục tiêu thúc đẩy DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đầu tư vào nghiên cứu phát triển để tăng trưởng có chiều sâu và đáp ứng yêu cầu hợp tác kinh doanh quốc tế trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, những mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản thân sự phù hợp của chính sách ưu đãi thuế và các chính sách khác có liên quan đến CNHT và các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến CNHT.
Thực trạng chính sách ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam
Miễn thuế nhập khẩu:
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 quy định một số trường hợp được miễn thuế nhập khẩu có liên quan đến CNHT và ưu đãi riêng cho CNHT. Theo đó, ưu đãi dành riêng cho CNHT là trường hợp: Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất. Theo Nghị định 149/2005/NĐ-CP, có 16 lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, trong đó, thuộc về CNHT có một lĩnh vực là sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại mầu, kim loại đặc biệt, phôi thép, sắt xốp, luyện gang. Nghị định 87/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 149/2005/NĐ-CP bổ sung thêm một số lĩnh vực thuộc CNHT vào diện miễn thuế nhập khẩu, đó là: (i) Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; (ii) Sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện điện tử kỹ thuật cao; (iii) Đầu tư sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác. Như vậy, có thể thấy trước khi có chủ trương thúc đẩy phát triển CNHT năm 2007 đánh dấu bởi Quyết định 34/2007/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), việc ưu đãi thuế nhập khẩu đối với CNHT là rất ít, chỉ duy nhất áp dụng cho một lĩnh vực là sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại mầu, kim loại đặc biệt, phôi thép, sắt xốp, luyện gang. Năm 2010, đánh dấu thêm một bước bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu trực tiếp cho CNHT, trong đó đáng chú ý là sự bổ sung ưu đãi thuế cho CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử và CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy với ưu đãi thuế cho lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 cũng quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách báo khoa học. Quy định này nhằm thúc đẩy các DN thuộc mọi lĩnh vực trong đó có CNHT đầu tư cho nghiên cứu phát triển và nhập khẩu những máy móc, thiết bị quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh mà trong nước chưa sản xuất được.
Miễn thuế TNDN cho một số khoản thu nhập:
Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2003, 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 đều có quy định một số khoản thu nhập được miễn thuế TNDN. Trong số các khoản thu nhập được miễn thuế, không có khoản thu nhập nào trực tiếp thuộc lĩnh vực CNHT. Một khoản thu nhập thuộc diện được miễn thuế TNDN được kế thừa ở cả ba luật này có liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong đó có CNHT, đó là: Quy định miễn thuế đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Trước năm 2014, thời gian miễn thuế tối đa đối với thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tối đa 1 năm; thu nhập từ sản xuất sản phẩm thử nghiệm và công nghệ mới tối đa 6 tháng. Từ năm 2014, theo Nghị định 91/2014/NĐ-CP, thời gian miễn thuế tối đa đối với các khoản thu nhập này được kéo dài tương ứng là 3 năm và 5 năm. Như vậy, có thể thấy, mức độ ưu đãi nhằm khuyến khích DN đầu từ cho nghiên cứu phát triển đã tăng lên đáng kể.
Miễn và giảm thuế TNDN có thời hạn
Theo Luật Thuế TNDN năm 2003 và Luật Thuế TNDN năm 2008, hình thức miễn, giảm thuế có thời hạn chủ yếu áp dụng ưu đãi theo địa bàn đầu tư, không có miễn, giảm thuế có thời hạn áp dụng đối với CNHT nhưng có áp dụng cho lĩnh vực có liên quan đến CNHT. Theo đó, Luật Thuế TNDN năm 2003 quy định: Cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 7 năm tiếp theo. Luật Thuế TNDN năm 2008 quy định: DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.
(Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 có hai sự thay đổi quan trọng liên quan đến cách thức ưu đãi thuế đối với CNHT, đó là: (i) Chuyển từ ưu đãi cho DN mới thành lập từ dự án đầu tư sang ưu đãi cho phần thu nhập của DN có được từ dự án đầu tư thuộc diện được ưu đãi thuế; (ii) Ngoài việc ưu đãi thuế có liên quan đến CNHT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 còn có riêng quy định miễn, giảm thuế có thời hạn cho một số lĩnh vực thuộc lĩnh vực CNHT, đó là sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất vật liệu composit, sản xuất các loại vật liệu xây dựng nhẹ và vật liệu quý hiếm.
Thuế suất thuế TNDN ưu đãi:
Xét dưới góc độ ưu đãi cho CNHT, thuế suất thuế TNDN ưu đãi được áp dụng cả trực tiếp cho CNHT và liên quan đến CNHT và được áp dụng xuyên suốt qua các lần sửa đổi Luật Thuế TNDN từ năm 2003 đến năm 2013 với những điều chỉnh theo hướng tăng thêm và mở rộng dần ưu đãi cho CNHT. Cụ thể là:
- Luật Thuế TNDN năm 2003 quy định: Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, tùy theo địa bàn đầu tư mà được áp dụng một trong các mức thuế suất ưu đãi 20%, 15% hoặc 10% tương ứng với các thời hạn 10 năm, 12 năm và 15 năm. Trong số các lĩnh vực ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 164/2003/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN năm 2003 có những lĩnh vực thuộc CNHT như: Sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông; sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất tinh khiết, hóa chất chuyên dụng, thuốc nhuộm; sản xuất thiết bị cơ khí chính xác; sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại màu. Nghị định 164/2003/ NĐ-CP còn quy định một số lĩnh vực không thuộc về CNHT nhưng có liên quan đến CNHT như: ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; giáo dục, đào tạo…
- Tiếp tục áp dụng thuế suất ưu đãi theo Luật Thuế TNDN năm 2003 nhưng Nghị định 24/2007/ NĐ-CP thay thế Nghị định 164/2003/NĐ-CP đã bổ sung thêm danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho lĩnh vực này. Trong số các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư có một số lĩnh vực thuộc về CNHT, đó là: Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp, phôi thép; sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện điện tử kỹ thuật cao; sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác.
- Luật Thuế TNDN năm 2008 (thay thế Luật Thuế TNDN năm 2003) bỏ thuế suất ưu đãi đối với các lĩnh vực thuộc CNHT, chỉ tiếp tục cho áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số lĩnh vực có liên quan như công nghệ cao, giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013, ngoài việc kế thừa áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số lĩnh vực có liên quan đến CNHT, còn bổ sung việc áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với một số lĩnh vực thuộc CNHT, bao gồm: Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm. Ngoài ra, tuy không trực tiếp ưu đãi cho CNHT nhưng những DN nhỏ và vừa (có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm) thuộc lĩnh vực CNHT cũng được hưởng thuế suất ưu đãi 20% đối với DN nhỏ và vừa từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2015.
Tín dụng thuế đầu tư
Tín dụng thuế đầu tư là cách thức ưu đãi mà Nhà nước cho người nộp thuế được miễn thuế thu nhập thông qua hoàn thuế hoặc hoãn nộp thuế thu nhập thông qua một cách thức nào đó làm giảm số thuế phải nộp ở năm hiện tại và sẽ thu lại số thuế này trong những năm sau đó nhằm khuyến khích các DN đổi mới máy móc thiết bị; đầu tư mới hoặc đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Như vậy, có thể thấy, tín dụng thuế đầu tư thường không áp dụng riêng cho CNHT mà áp dụng cho mọi DN trong đó có DN thuộc lĩnh vực CNHT. Ở Việt Nam, Luật Thuế TNDN năm 1998 có quy định hoàn thuế thu nhập cho tái đầu tư. Luật Thuế TNDN năm 2003 bỏ quy định hoàn thuế thu nhập cho tái đầu tư nhưng vẫn duy trì một dạng tín dụng thuế đầu tư là cho phép DN được trích khấu hao nhanh tối đa 2 lần đối với một số loại tài sản cố định để nhanh chóng đổi mới công nghệ. Quy định này tiếp tục được áp dụng cho đến nay. Luật Thuế TNDN năm 2008 bổ sung một dạng tín dụng thuế đầu tư là cho phép DN được trích lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với mức trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế để sử dụng chi cho nghiên cứu phát triển trong DN.
Miễn, giảm tiền thuê đất
Việc miễn, giảm tiền thuê đất ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; miễn, giảm tiền thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao. Gần đây nhất, Nghị định 46/2014/NĐ-CP có bổ sung một số trường hợp được miễn, giảm tiền thuê đất nhưng chỉ liên quan chứ không trực tiếp dành riêng cho CNHT, đó là các trường hợp: Đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học của DN khoa học và công nghệ; đất xây dựng kết cấu hạ tầng chung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Đánh giá chung về chính sách ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ những năm qua
Trong giai đoạn trước năm 2007, khi chính sách phát triển CNHT chưa định hình rõ ràng thì chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT cũng chưa thật sự rõ nét. Kể từ khi có Quyết định 34/2007/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và đặc biệt là từ khi có quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển một số ngành CNHT thì chính sách phát triển CNHT được hình thành và hoàn thiện hơn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã dành những ưu đãi thuế riêng cho CNHT mà điển hình là hai hình thức ưu đãi sau: (i) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNHT cho CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; (ii) Áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong thời hạn 10 năm đối với dự án sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.
Nhìn chung, sự chuyển biến chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT là khá phù hợp với đòi hỏi thực tiễn khách quan và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra. Theo đó, những ưu đãi thuế riêng cho CNHT đã góp phần giải quyết một trong những điểm yếu của DN Việt Nam là thiếu vốn do chủ yếu quy mô nhỏ và vừa. Những ưu đãi này cũng bước đầu thúc đẩy phát triển CNHT ở những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh như sản xuất sản phẩm điện tử. Các hình thức miễn thuế nhập khẩu, miễn và giảm thuế TNDN có thời hạn, khấu hao nhanh là những hình thức ưu đãi đã góp phần khuyến khích DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển mạnh mẽ. Rất tiếc, trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có thống kê đầy đủ về số thuế đã ưu đãi mà các DN và DN CNHT được hưởng làm cơ sở đánh giá thực sự chính xác tác động của chính sách này.
Bên cạnh những ưu điểm nói trên, chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT còn những hạn chế nhất định, đó là: (i) Nhận thức về tầm quan trọng của CNHT còn chậm so với đòi hỏi thực tiễn nên chính sách ưu đãi chưa kịp thời; (ii) Chính sách ưu đãi thuế nói chung và đối với CNHT nói riêng chưa thực sự tính toán đầy đủ các lợi thế so sánh của Việt Nam để thúc đẩy các DN tham gia hợp lý nhất vào chuỗi cung ứng toàn cầu; (iii) Chính sách ưu đãi thuế nói chung và đối với đối với CNHT nói riêng chưa chú ý đầy đủ đặc thù về môi trường kinh doanh và quy mô kinh doanh của các DN Việt Nam.
Khuyến nghị về chính sách ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ
Từ những phân tích về ưu điểm và nhược điểm của chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT nêu trên cho thấy, trong thời gian tới, chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT cần được hoàn thiện theo các định hướng sau:
Một là, tiếp tục duy trì ổn định chính sách ưu đãi chung cho các DN trong đó có DN thuộc lĩnh vực CNHT theo hướng thúc đẩy DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đổi mới mới công nghệ, đảm bảo mặt bằng công nghệ của các DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu và linh kiện của các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Hai là, chính sách ưu đãi thuế cần hướng đến phát huy tốt những lợi thế so sánh của Việt Nam, kể cả lợi thế so sánh tĩnh và lợi thế so sánh động. Theo đó, cần hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam theo hướng xác định rõ những ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế so sánh để phát triển. Cần xác định rõ rằng, CNHT không chỉ nhằm mục tiêu cung cấp linh kiện và bán thành phẩm cho các DN có cơ sở sản xuất ở Việt Nam, mà còn cung ứng cho các DN thuộc lĩnh vực này ở các nước khác trong khu vực và trên thế giới theo nguyên tắc tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh của Việt Nam. Điều này cho thấy, những ưu đãi riêng cho CNHT hiện nay mới tập trung vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử là đúng nhưng chưa đủ, cần bổ sung thêm những lĩnh vực khác mà Việt Nam có lợi thế so sánh. Việc xác định những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có lợi thế so sánh cần thực hiện một cách khoa học trên cơ sở khảo sát thực tiễn mà tác giả bài viết này chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ.
Ba là, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT theo hướng chú ý đầy đủ đến đặc thù môi trường kinh doanh ở Việt Nam và quy mô kinh doanh của phần lớn các DN Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy liên kết quốc tế của các DN Việt Nam theo hướng trở thành thành viên của các công ty đa quốc gia và được chuyển giao đầy đủ về công nghệ hiện đại nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với chính sách cho trích lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nên nâng mức trích lập tối đa đối với DN nhỏ và vừa cao hơn mức trích của DN lớn, bởi vì với mức trích 10% thu nhập tính thuế, số tiền thuế được hoãn của DN nhỏ và vừa là quá nhỏ để thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Theo đó, mức trích quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN nhỏ và vừa nên nâng lên mức 30% thu nhập tính thuế.
Cuối cùng, chính sách ưu đãi thuế đối với CNHT chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các chính sách khác đối với CNHT được xây dựng đồng bộ, hợp lý và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn, bởi lẽ, chính sách ưu đãi thuế chỉ là một bộ phận cấu thành trong chính sách chung của Nhà nước và chỉ có tác động trong những phạm vi, điều kiện nhất định mà thôi.
Giải pháp ưu đãi thuế phát triển công nghiệp hỗ trợ
(Tài chính) Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần nhiều điều kiện và giải pháp, trong đó có những giải pháp về ưu đãi thuế. Bài viết đánh giá tổng quát thực trạng ưu đãi thuế với công nghiệp hỗ trợ và thảo luận về những giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thời gian tới.
Xem thêm