Giải pháp xây dựng bộ hệ thống thu thuế carbon

Khánh Chi

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực, chủ động nghiên cứu hệ thống thu thuế carbon các quốc gia trên thế giới và khuyến nghị một số nội dung cần chú trọng triển khai khi xây dựng thuế carbon phù hợp với điều kiện quốc gia.

Thuế carbon đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải.
Thuế carbon đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải.

Là một trong những công cụ chính sách quan trọng để kiểm soát phát thải khí nhà kính, thuế carbon đã được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải. Theo các chuyên gia, để thuế carbon phát huy được vai trò khi triển khai tại Việt Nam, cần chú ý các nội dung sau:

Thứ nhất, cơ sở tính thuế carbon phải được thiết kế phù hợp nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Nếu cơ sở tính thuế carbon hẹp sẽ không có tác dụng làm giảm phát thải, nhưng việc quá mở rộng cơ sở thuế carbon để tăng tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính mà vượt khả năng cân bằng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng chịu thuế carbon để tránh đánh thuế hai lần, làm gia tăng thêm gánh nặng thuế cho xã hội có thể dẫn tới việc bị người dân và doanh nghiệp phản ứng.

Thứ hai, về thuế carbon, việc xác định chủ thể cuối cùng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có nhiều khó khăn bởi sản phẩm nhiên liệu hóa thạch khi đưa vào thị trường có thể trải qua quá trình phân phối, lưu thông phức tạp. Để thuận lợi cho công tác quản lý thuế, thuế carbon nên điều tiết vào khâu đầu tiên đưa nhiên liệu hóa thạch vào thị trường. Theo đó, người nộp thuế carbon sẽ là các chủ thể nhập khẩu, khai thác nhiên liệu hóa thạch, cách thức xác định người nộp thuế carbon giống với cách thức xác định người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay người nộp thuế môi trường theo pháp luật thuế hiện hành.

Thứ ba, thuế suất thuế carbon phải đảm bảo có sự cân bằng giữa giá carbon đủ cao để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tạo động lực cho việc đầu tư vào các phương án carbon thấp, đồng thời, phải hạn chế được tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế, ví dụ như làm giá năng lượng tăng quá cao. Kinh nghiệm các nước cho thấy, thông thường mức thuế suất khởi điểm nên quy định thấp để thuận lợi áp dụng thuế carbon vào thực tiễn do được người dân và doanh nghiệp dễ chấp nhận hơn. Sau đó, mức thuế suất được điều chỉnh tăng dần theo lộ trình và trên cơ sở xem xét đến bối cảnh và điều kiện của nền kinh tế.

Thứ tư, ưu đãi thuế carbon, thuế carbon bản chất là thuế gián thu và mang tính lũy thoái nên doanh nghiệp nhỏ, tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp là những đối tượng dễ bị “tổn thương” khi thuế carbon được áp dụng. Để giảm thiểu tác động lũy thoái của thuế carbon, các đối tượng này cần được xem xét miễn và giảm tiền thuế carbon phải trả hoặc một số lĩnh vực đặc thù có ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đầu mới áp dụng thuế carbon.

Thứ năm, sử dụng nguồn thu thuế carbon là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thuế carbon. Thuế carbon một mặt, giúp làm giảm phát thải khí nhà kính, mặt khác, tăng nguồn thu ngân sách để chi hỗ trợ cho việc sử dụng năng lượng tái tạo và bù đắp tổn thất cho các nhóm đối tượng khác do việc thực thi thuế carbon gây ra. Vì vậy, khi áp dụng thuế carbon, pháp luật thuế cần bổ sung quy định về việc tách bạch riêng thuế carbon và quy định rõ mục đích sử dụng tiền thuế carbon là cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, về phương án áp dụng thuế carbon, Việt Nam có thể cân nhắc hai phương án, đó là tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường hiện có hoặc ban hành thuế carbon với tư cách là một loại thuế độc lập trong hệ thống thuế, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường. Trong hai phương án này, việc tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường được xem có tính khả thi hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi tích hợp thuế carbon và thuế bảo vệ môi trường sẽ nảy sinh các hạn chế nhất định, trong đó, hạn chế lớn nhất là nguồn thu từ thuế carbon sẽ không thể hạch toán riêng để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Hạn chế này sẽ làm giảm vai trò của thuế carbon trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Để khắc phục hạn chế này, Chính phủ cần ban hành quy định về việc hạch toán phần thuế carbon trong thuế bảo vệ môi trường, quy định rõ mục đích, phương thức sử dụng khoản thu này.