Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tính đến năm 2012 có 5.839 doanh nghiệp là DNNVV trong tổng số hơn 6.400 DN, chiếm 91,2% các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh. Số lượng các DNNVV trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng năm sau cao hơn so với năm trước.

Tổng thu về ngân sách do các DNNVV đóng góp chiếm hơn 90% trong tổng thu ngân sách từ hoạt động của các DN (tổng thu ngân sách năm 2012 là 4.671.715.517.611 đồng trong đó DNNVV đóng góp: 4.070.790.642.132 đồng). Tuy nhiên, có một thực tế là DNNVV trên địa bàn tỉnh thường là các DN hạn chế về vốn, về công nghệ, năng lực quản lý yếu… nên trong những năm qua khi kinh tế khó khăn các DNNVV là các DN bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống thông tin và dự báo thông tin về hoạt động kinh tế tài chính trong các DN này còn yếu kém, chưa thực hiện chức năng tư vấn cho các nhà quản trị DN. Các nhà quản trị chưa được cung cấp thông tin thích hợp, cần thiết phục vụ trong quá trình đưa ra các quyết định kinh doanh.

Giải pháp xây dựng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương  - Ảnh 1

Kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Mặc dù cả hai hệ thống kế toán là kế toán tài chính và kế toán quản trị đều có chức năng cung cấp thông tin cho nhà quản trị nhằm mục đích điều hành DN, tuy nhiên, kế toán quản trị có một số khác biệt so với kế toán tài chính thông thường đó là: Kế toán quản trị bắt buộc phải thực hiện trong DN. Báo cáo của kế toán quản trị chỉ sử dụng trong phạm vi DN, không công bố ra ngoài. Mục tiêu của báo cáo quản trị nhằm cung cấp thêm các thông tin chi tiết về một hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có kèm theo chức năng phân tích, chức năng dự báo và tư vấn. Có thể khẳng định vai trò quan trọng của kế toán quản trị chi phí trong DN như sau:

Một là, kế toán quản trị chi phí tham gia vào quá trình lập kế hoạch, hoạch định các chiến lược phát triển DN bao gồm cả dự toán nguồn kinh phí để thực hiện kế họach; Giúp cho DN chủ động hơn trong tìm kiếm nguồn lực, huy động tối đa năng lực hiện có của DN.

Hai là, kế toán quản trị chi phí cung cấp thông tin cho quá trình kiểm soát chi phí trong đơn vị. Thông qua các báo cáo kế toán quản trị về chi phí ở từng bộ phận, từng khâu có sự so sánh giữa kế hoạch và định mức xác định được mức độ chênh lệch từ đó phân tích đưa ra nguyên nhân dẫn đến chênh lệch chi phí và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ba là, kế toán quản trị chi phí cung cấp thông tin cần thiết cho quá trình ra quyết định của chủ DN. Thông qua các thông tin về chi phí mà kế toán quản trị cung cấp chủ DN có thể đưa ra các quyết định liên quan: Lựa chọn cơ cấu sản xuất sản phẩm; quyết định lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh, định giá bán sản phẩm.

Vận dụng hệ thống chứng từ kế toán, luân chuyển xử lý chứng từ là khâu quan trọng, quyết định đến thông tin kế toán. Do vậy, việc tổ chức luân chuyển trong các đơn vị phải nhằm đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời nhanh chóng, tránh chồng chéo.

Bốn là, kế toán quản trị chi phí cung cấp thông tin cần thiết cho chủ DN đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị như tình hình thực hiện kế hoạch giá thành, tình hình thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận của DN.

Thông qua vai trò của kế toán quản trị trong DNNVV ở trên có thể khẳng định để hòa nhập vào sự phát triển chung của nền kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đòi hỏi sự phát triển của các DN, các đơn vị kinh doanh. Kế toán quản trị chi phí với việc thực hiện chức năng tư vấn trong quá trình hoạch định kế hoạch, chiến lược và kiểm tra, giám sát, phân tích tình hình thực hiện kế hoạch chi phí sẽ là cần thiết để các DNNVV có thể phát triển ổn định hiện tại và tương lai.

Thực trạng và giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị

Thực trạng kế toán quản trị chi phí ở doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa

Tổ chức kế toán quản trị chi phí ở các DNNVV trên địa bàn Tỉnh còn hạn chế sau đây:

Một là, về bộ máy kế toán: Theo nghiên cứu của tác giả bộ máy kế toán của các DNNVV được xây dựng chủ yếu tập trung vào công tác thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin của kế toán tài chính cho việc tổng hợp mà chưa có bộ phận riêng phục vụ cho yêu cầu quản trị cũng như phân tích hoạt động kinh doanh.

Hai là, về công tác phân loại chi phí sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chi phí sản xuất kinh doanh trong đơn vị mới chỉ được phân loại phục vụ cho kế toán tài chính, phân loại chi phí phục vụ cho quản trị chi phí trong DN như: Phân loại chi phí theo ứng xử chi phí, phân loại chi phí sử dụng trong lập kế hoạch và ra quyết định.. gần như chưa được quan tâm.

Ba là, về xây dựng định mức và lập dự toán sản xuất kinh doanh: Một số các DN có quy mô thuộc về DN vừa đã xây dựng định mức, dự toán chi phí trong đơn vị, tuy nhiên, dự toán chi phí còn đang nằm ở dạng kế hoạch giá thành được lập theo từng loại chi phí để tính giá thành đơn vị sản phẩm, dự toán chưa được lập riêng cho chi phí cố định và chi phí biến đổi. Dự toán tồn tại dưới dạng dự toán tĩnh chưa phải dự toán linh hoạt nên khó đưa ra quyết định kinh doanh trong điều kiện thị trường thay đổi.

Bốn là, về hệ thống chứng từ, sổ sách và báo cáo quản trị: Nhiều công ty chưa sử dụng đầy đủ các chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh cho đúng với tính chất và nội dung của nghiêp vụ cũng như yêu cầu quản lý; Thiếu các chứng từ kế toán nội sinh để phản ánh các nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu quản trị DN, các báo cáo quản trị gần như không tồn tại. Đặc biệt, ở DN siêu nhỏ, hệ thống kế toán rất manh mún, việc ghi chép các số liệu phát sinh gần như mang tính ghi chép, không có logic trong chuẩn mực kế toán. Đến cuối tháng, khi nộp báo cáo thuế, kế toán tự “chế biến” số liệu cho hợp lý, do vậy, hầu như báo cáo tài chính của những DN dạng này không có ý nghĩa tham khảo. Với những DN thuê dịch vụ kế toán thì việc ghi chép rất chính xác và đúng quy định nhưng thông tin kế toán không đáp ứng tính kịp thời do thông thường, các kế toán dạng này chỉ nhận chứng từ vào cuối ngày hoặc cuối tháng để tổng hợp. Do vậy, báo cáo tài chính của các DN này gần như không đáp ứng được thông tin như công nợ, tồn kho… Các DN mới chỉ dừng lại báo cáo bắt buộc theo quy định của pháp luật còn báo cáo quản trị phục vụ cho yêu cầu quản trị thì hầu như chưa có cơ sở để thực hiện.

Năm là, đội ngũ nhân viên kế toán, ở một số DN có đội ngũ nhân viên kế toán tuy nhiên các nhân viên kế toán này mới chỉ được đào tạo để thực hiện công tác kế toán tài chính còn kế toán quản trị chưa có trình độ kiến thức đảm bảo để thực hiện.

Sáu là, các phần mềm dùng cho quản trị DN chưa được ứng dụng do hạn chế chi phí tối đa và chưa nhận thức được vai trò quan trọng của kế toán quản trị.

Như vậy, hệ thống kế toán tồn tại ở các DNNVV trên địa bàn Tỉnh hiện nay không làm cơ sở, nền tảng cho thực hiện kế toán quản trị trong DN.

Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh

Để nâng cao hiệu quả tổ chức hệ thống kế toán trong DNNVV, tăng cường khả năng cạnh tranh của DNNVV Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kế toán của DN theo hướng hoàn thiện kế toán quản trị chi phí như sau:

Một là, xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với cơ cấu quản lý của công ty. Mô hình xây dựng bộ máy kế toán ở đây là mô hình kết hợp cả kế toán tài chính và kế toán quản trị. Xác định số lượng nhân viên kế toán cần thiết để đảm nhận khối lượng công việc kế toán của công ty. Tìm kiếm những nhân viên kế toán có trình độ phù hợp với quy mô phát triển của công ty để tiết kiệm chi phí.

Hai là, tổ chức thực hiện, vận dụng hệ thống chứng từ kế toán, luân chuyển xử lý chứng từ là khâu quan trọng, quyết định đến thông tin kế toán. Do vậy, việc tổ chức luân chuyển trong các đơn vị phải nhằm đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời nhanh chóng, tránh chồng chéo.

Ba là, xây dựng hệ thống báo cáo quản trị trong DN, báo cáo của kế toán quản trị đựợc sử dụng kết hợp với các báo cáo khác của DN như báo cáo về thị trường, đối thủ cạnh tranh, công nghệ sản xuất... để có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố đang tác động đến hoạt động của DN. Việc cung cấp thông tin kế toán phải đa dạng, phải coi trọng việc xây dựng, khai thác hệ thống báo cáo nội bộ và phải thấy được ý nghĩa của báo cáo kế toán quản trị chi phí trên các mặt sau: Cung cấp số liệu để phân tích thường xuyên tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế theo từng mặt cụ thể.

Bốn là, hệ thống kế toán quản trị không có một quy chuẩn pháp lý chung nào về hình thức lẫn nội dung báo cáo. Do đó, DN phải tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu kế toán quản trị cụ thể theo mục tiêu quản trị đặt ra. Các chỉ tiêu này phải đảm bảo so sánh được giữa các thời kỳ để đưa ra được các đánh giá chính xác về thực tế tình hình hoạt động của DN.

Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý số liệu. Hiện nay nhiều DN vẫn chưa sử dụng một hệ thống phần mềm quản trị thống nhất, mà chỉ mới áp dụng phần mềm kế toán, nên việc lấy số liệu chỉ dừng ở việc tận dụng nguồn thông tin từ kế toán tài chính, trong khi chưa có sự liên kết giữa các bộ phận khác nhau.

Sáu là, quan tâm đến đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán nâng cáo trình độ của nhân viên, nhằm nâng cao chất lượng của thông tin kế toán trong đơn vị và có thể thực hiện được kế toán quản trị chi phí trong các DNNVV.

Bảy là, DN cần xây dựng qui trình sản xuất thống nhất, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này không những giúp DN chuẩn hoá hoạt động mà còn là cơ sở để cung cấp nguồn số liệu chính xác cho kế toán quản trị trong quá trình lập báo cáo. Chính sự thống nhất về bản chất số liệu sẽ giúp việc so sánh các chỉ tiêu hiệu quả hơn.

Qua nghiên cứu thực trạng năng lực cạnh tranh của DNNVV, tác giả nhận thấy năng lực cạnh tranh của DNNVV trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa đang còn hạn chế, một trong những nguyên nhân dẫn đến trong cạnh tranh các DNNVV đang còn yếu đó là chức năng quản trị DN trong đơn vị chưa thực hiện tốt, hệ thống thông tin của kế toán quản trị chưa được tận dụng và khai thác. Vì vậy, tác giả đã đưa ra phương hướng xây dựng kế toán quản trị chi phí trong DNNVV góp phần hoàn thiên hơn hệ thống kế toán ở các DN này, để kế toán quản trị phát huy chức năng là công cụ tư vấn cho nhà quản trị DN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV.

 Tài liệu tham khảo:

1. Luật Kế toán số : 03/2003/QH11;

2. Nghị định 90/2001/NĐ-CP;

3. Báo cáo thu nội địa (2012) – Cục Thuế Thanh Hóa;

4. Bộ Tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng kê toán quản trị doanh nghiệp;

5. Báo cáo thống kê, tổng kết về DNNVV của Sở kế hoạch đầu tư, Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013

Giải pháp xây dựng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương

ThS. LÊ THỊ HỒNG - Đại học Hồng Đức

(Tài chính) Kế toán quản trị chi phí là một bộ phận quan trọng của kế toán quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể chưa có điều kiện để xây dựng hệ thống kế toán quản trị DNNVV hoàn chỉnh nhưng kế toán quản trị chi phí thì không thể thiếu trong bất kỳ quy mô doanh nghiệp nào. Bài viết đưa ra một số giải pháp xây dựng kế toán quản trị chi phí DNNVV trên địa bàn Thanh Hóa.

Xem thêm

Video nổi bật