Giải quyết vụ án dân sự: Sao vẫn dài lê thê?
Không hiếm vụ kiện dân sự bị kéo dài hàng chục năm do phán quyết trái ngược của cơ quan có thẩm quyền; nhiều vụ đã thi hành án xong vẫn bị giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại hay có trường hợp bị đình chỉ như một giải pháp tình thế để giảm áp lực giải quyết án quá hạn. Theo các chuyên gia pháp luật, quy định hiện hành còn nhiều khoảng trống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “án dây thun”.
Vòng luẩn quẩn
Theo các chuyên gia, vụ kiện đòi nhà cho thuê của cụ Huỳnh Thị Dậu tại TP Hồ Chí Minh có thể được xem là kỷ lục của ngành tòa án khi kéo dài 32 năm chưa giải quyết xong. Phán quyết trái ngược nhau của các cơ quan có thẩm quyền đã khiến gia đình phải đội đơn đi kiện từ đời này qua đời khác.
Cho đến nay, vụ án đã trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, bốn lần xử phúc thẩm, ba lần giám đốc thẩm và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ. Đó là những ví dụ điển hình cho tình trạng án không có điểm dừng trong tố tụng dân sự.
Luật sư Nguyễn Nam Long, Công ty Luật Nam Long cho hay, thời gian cho một vụ án dân sự thông thường không kéo dài quá 4 tháng. Nếu có những tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thêm 2 lần 2 tháng nữa. Song trên thực tế, các vụ án dân sự thường kéo dài hơn, do nhiều nguyên nhân như tranh chấp phức tạp, có tính chất lịch sử, liên quan đến nhiều người.
Cũng có trường hợp, vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại. Tuy nhiên khi tòa cấp dưới xét xử lại thì phán quyết không theo hướng đề nghị của quyết định giám đốc thẩm. Từ đó, đã dẫn đến vòng luẩn quẩn của việc án xử đi xử lại.
Mặt khác, cũng có những trường hợp bản án đã thi hành xong, tài sản đã được chia và sang tên đổi chủ qua nhiều người nhưng sau đó quyết định giám đốc thẩm lại hủy án, chuyển hồ sơ về tòa sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Khi tòa sơ thẩm thụ lý lại, vì nhiều lý do như đương sự không đến hay rút đơn khởi kiện nên tòa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khiến đương sự khiếu kiện kéo dài. Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng, đó là do cách áp dụng giám đốc thẩm máy móc, tràn lan mà không cần biết vụ án đã được thi hành như thế nào.
Thậm chí, có vụ án kéo dài do nguyên nhân rất vô lý như thẩm phán đợi tái bổ nhiệm, trong thời gian đó, tòa lại không chuyển vụ việc cho người khác giải quyết. Đến khi, thẩm phán đã được tái bổ nhiệm thì lại phân công cho thẩm phán khác và vụ án lại được nghiên cứu lại từ đầu. Chưa kể, hiện còn nhiều “điểm mờ” trong quy định pháp luật mà thẩm phán có thể tùy ý quyết định, chẳng hạn như khoảng thời gian giữa những lần triệu tập đương sự lên làm việc, lấy lời khai, hòa giải.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết, theo điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với vụ án có tính chất phức tạp, do sự kiện bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên thế nào là tình tiết phức tạp, thế nào là trở ngại khách quan thì cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể để tránh việc án bị kéo dài quá lâu.
Đình chỉ đến bao giờ?
Không chỉ kéo dài thời gian giải quyết án dân sự, tình trạng tạm đình chỉ vụ án cũng khá phổ biến. Nguyên nhân là do nhiều vụ có tính chất phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức tố tụng, trong khi một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng, còn nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết. Song, cũng có trường hợp lợi dụng quy định về tạm đình chỉ để được tính lại từ đầu thời hạn tố tụng.
Nhiều chuyên gia lý giải, do số lượng án dân sự tòa 2 cấp thụ lý ngày càng tăng với tính chất vụ việc phức tạp trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với án dân sự tối đa là 6 tháng, án kinh doanh thương mại, lao động tối đa là 3 tháng kể từ ngày thụ lý, nên áp lực công việc của Thẩm phán lớn. Để giảm áp lực giải quyết án quá hạn, không ít trường hợp sử dụng giải pháp tình thế là tạm đình chỉ giải quyết vụ án để được tính lại từ đầu thời hạn tố tụng, nhất là vào các tháng cuối năm, khi Tòa án tổng kết thi đua, tính chỉ tiêu giải quyết án.
Bà Đào Thị Mai Hường, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian gần đây, tại TAND cấp huyện, số lượng án quá thời hạn chuẩn bị xét xử và án tạm đình chỉ có chiều hướng tăng. Nhất là vào thời điểm tháng 9 hàng năm, lượng án tạm đình chỉ tăng vọt, kéo theo số lượng án tạm đình chỉ không đúng cũng gia tăng; cá biệt còn có tình trạng Thẩm phán “ngại” xử những hồ sơ do Thẩm phán nghỉ hưu để lại, đùn đẩy hồ sơ cho Thẩm phán khác giải quyết.
Bên cạnh đó, không hiếm trường hợp lợi dụng pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể để kéo dài thời gian giải quyết vụ án một cách không cần thiết. TS. Bùi Thị Huyền, Đại học Luật Hà Nội cho biết, Bộ luật Tố tụng dân sự đưa ra quy định mở, mang tính dự phòng đối với những trường hợp phát sinh lý do mà Tòa án cần thiết phải ra quyết định tạm đình chỉ, đơn cử như trường hợp “đương sự có đơn đề nghị tạm đình chỉ vụ án để bổ sung chứng cứ”.
Mặc dù đây là quyền của đương sự nhưng nếu việc tạm đình chỉ dựa trên cơ sở này lại ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia thì rất cần xem xét tính hợp lý, để tránh tình trạng lạm dụng quy định, gây ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của đương sự.