Giảm áp lực cạnh tranh cho hàng Việt
14,59 tỷ USD là tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 4-2019 (tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm đã đạt kỷ lục về giá trị vốn đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn.
Doanh nghiiệp ngoại gia tăng sự hiện diện
Phân tích từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Công (Trung Quốc) vươn lên dẫn đầu với 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Hàn Quốc với 1,98 tỷ USD, chiếm 13,6%; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8%…
Nếu xét ở lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư tham gia ở 19 lĩnh vực nhưng tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, chế tạo, với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD (chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản bán buôn, bán lẻ cũng vươn lên mạnh mẽ khi lần lượt tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% và 742,7 triệu USD, chiếm 5%.
Hàng loạt rào cản thương mại, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam đã được giảm về 0% từ năm 2019 tại các thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… đã giúp tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trên thị trường thế giới. Riêng ở góc độ thị trường nội địa, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là thị trường lớn với quy mô dân số hơn 90 triệu người và dân số vàng đạt tỷ lệ xấp xỉ 60%.
Báo cáo của Nielsen về nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong các thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh cả về chủng loại, chất lượng sản phẩm lẫn cách thức tiêu dùng. Người tiêu dùng chuyển sang ưu tiên lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe và hướng đến đạt những tiêu chuẩn toàn cầu. Về cách thức mua hàng, dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam, nhưng kênh hiện đại đã và đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng.
Giảm sức ép cho DN nội
Việc DN ngoại đổ bộ đang gia tăng sức ép cạnh tranh lên các nhà sản xuất trong nước ngay tại thị trường nội địa và gia tăng nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu. Đơn cử, chỉ trong vòng 3 năm lại đây, giá thuê mặt bằng kinh doanh nói chung trên địa bàn TPHCM không ngừng tăng mạnh. Tại một số khu vực trung tâm hoặc tập trung đông dân cư, giá thuê mặt bằng kinh doanh đã tăng hơn gấp 3 lần so với trước đó.
Chưa hết, nhiều hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi ngoại còn sẵn sàng trả giá cao, đền cọc thuê mặt bằng cho các chủ nhà để được lấy những mặt bằng kinh doanh có vị trí chiến lược. Điều này khiến cho nhiều DN nội vốn đã hẹp thị phần lại thêm điêu đứng. Còn với thị trường xuất khẩu, DN trong nước cũng đối mặt với hàng loạt vụ kiện thương mại tại thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ…
Trước thực tế đó, nhiều chính sách hỗ trợ, tiếp sức DN Việt đã được triển khai. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị này đang đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh, thành. Cùng với đó, tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ giữa các nhà bán lẻ với các DN để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh và gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất, phân phối sản phẩm đến với các tỉnh, thành.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết trong những năm qua, ngoài việc hỗ trợ DN mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa trong nước, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với các hệ thống phân phối ngoại như hệ thống siêu thị KF (Thụy Điển), NTUC Fair Price (Singapore), Co.op (Nhật Bản) để mở rộng khả năng tiêu thụ của hàng Việt tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn trực tiếp hỗ trợ vốn đầu tư, quy trình sản xuất cho các DN, cơ sở sản xuất, nông dân, hợp tác xã trong nước cải thiện chất lượng sản xuất, hướng đến đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Về lâu dài, Bộ Công thương cũng đã khuyến khích DN cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt kết hợp mở rộng tuyên truyền để tăng cường nhận diện thương hiệu hàng Việt trong cộng đồng; từng bước nâng cao giá trị của hàng Việt không chỉ tại thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.