SCMP: Nhiều doanh nghiệp đã “lỡ tàu” khi muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Chi phí đất đai tăng cao, chi phí lao động tăng, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, vấn nạn tắc đường cũng như năng lực sản xuất đi xuống đang dẫn đến tình trạng bão hòa tại nhiều khu vực của Việt Nam.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Chiến tranh thương mại đã khiến nhiều công ty chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam tuy nhiên chuyên gia cảnh báo nhiều khả năng họ đã “lỡ tàu”.

Chi phí đất đai tăng cao, chi phí lao động tăng, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, vấn nạn tắc đường cũng như năng lực sản xuất đi xuống đang dẫn đến tình trạng bão hòa tại nhiều khu vực của Việt Nam. 

Một số khu vực khác thuộc châu Á, trong đó phải kể đến Malaysia hay Indonesia có thể trở thành địa điểm sản xuất thay thế cho Việt Nam, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post).

Khi ông Ernie Koh bắt đầu mở nhà máy tại Việt Nam vào năm 1993 để sản xuất đồ nội thất, khi đó Việt Nam chưa bị đưa vào tầm ngắm của các nhà sản xuất. Thế nhưng 25 năm sau, nhiều công ty đã đổ xô vào Việt Nam.

Mức lương cao và việc các tiêu chuẩn môi trường ngày một bị thắt chặt tại trung tâm sản xuất tỉnh Quảng Đông miền Nam Trung Quốc khiến cho khu vực này không còn có thể tiếp tục là trung tâm hàng sản xuất giá rẻ như trước đây, và với nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể coi như địa điểm thay thế. 

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, dự kiến sẽ lại trở nên căng thẳng hơn từ ngày thứ Sáu tuần này, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Quý 1/2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 86,2% lên 10,8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ Trung Quốc chiếm đến nửa con số này, theo báo Trung Quốc Securities Times.

Giám đốc điều hành công ty sản xuất nội thất Singapore Koda hiện đang có nhà máy tại Malaysia và Việt Nam dù vẫn giữ cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam nhưng ông đang lo lắng về khả năng có không ít khu vực tại Việt Nam chật vật đương đầu với việc các doanh nghiệp nước ngoài vào khá nhiều, rất nhiều trong số đó muốn né tránh các biện pháp thuế trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc. 

Ông Koh nói: “Người ta có thể thấy ở khắp mọi nơi, các tòa nhà mới liên tiếp mọc lên. Đường sá đông đúc, tắc đường ngày một tồi tệ. Tình trạng tắc nghẽn ở các cảng diễn ra thường xuyên. Giờ đây nếu muốn vận chuyển hàng, chúng tôi phải đặt tàu 2 tuần trước ngày đi. Trước đây chúng tôi không phải làm việc này”.

Trong năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1%, nhiều công ty đa quốc gia đổ xô đến Việt Nam trong đó phải kể đến Intel, Samsung, LG, cả ba công ty trên đều đã có những khoản đầu tư rất lớn vào Việt Nam.

Giám đốc điều hành công ty luật Baker McKenzie Việt Nam, ông Fred Burke, nhận thấy rằng đã có một làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam thậm chí cả trước chiến tranh thế giới.

Tuy nhiên trong khi các trung tâm sản xuất Trung Quốc đã được đánh giá cao về chất lượng sản xuất cũng như hạ tầng sản xuất đẳng cấp, Việt Nam kém phát triển hơn rất nhiều.

Ông Burke chỉ ra: “Người lao động Việt Nam không được đào tạo tốt như Trung Quốc. Chưa kể đến việc Trung Quốc có hạ tầng tốt đến nỗi nhiều người coi đó là đương nhiên. Trong khi ở Việt Nam, người ta mới chỉ bắt đầu xây dựng tất cả những thứ này. Phải mãi đến 1 hoặc 2 năm tới, TP. Hồ Chí Minh mới có tàu điện ngầm”.

Làn sóng công ty rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn, đặc biệt khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị đẩy cao căng thẳng trong đối đầu thương mại. 

Khi mà chi phí đất đai và lao động ngày một tăng lên, các cảng biển quá tải, tắc nghẽn giao thông thường xuyên, năng lực sản xuất chưa cao, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng doanh nghiệp nào chưa chuyển sản suất sang Việt Nam có thể đã “lỡ tàu”.