Giảm dấu chân carbon, tăng giá trị nông sản Việt


Giảm dấu chân carbon trong nông sản Việt nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng uy tín quốc tế và giá trị nông sản Việt.

Các mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang cho nhiều kết quả khả quan (ảnh minh hoạ)
Các mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang cho nhiều kết quả khả quan (ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tạo phát thải nhưng khu vực rừng và sử dụng đất lại có khả năng hấp thụ phát thải.

Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26, ngành nông nghiệp đã có chuyển động tích cực để vừa giảm phát thải trong khu vực tạo phát thải; đồng thời tăng hấp thụ phát thải ở lĩnh vực lâm nghiệp và sử dung đất.

Thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp đã phân bổ “quota” hạn ngạch cho 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và sử dụng đất. Cùng với đó triển khai các đề án như đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; các mô hình thí điểm, các dự án hoặc trực tiếp hấp thụ carbon, tạo ra tín chỉ carbon hoặc giảm phát thải carbon trong 3 lĩnh vực trên.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tiêu biểu là thoả thuận của ngành nông nghiệp với Ngân hàng Thế giới về việc chi trả giảm phát thải cho 500.000 ha đất rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ theo Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp. Dự tính ban đầu trong giai đoạn 2015 -2018, diện tích rừng trên có thể tạo ra 10 triệu tấn carbon nhưng thực tế qua kiểm đếm của Ngân hàng Thế giới, con số đạt được gần 16 triệu tấn carbon. Điều này cho thấy, lâm nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc hấp thụ phát thải carbon.

Hiện nay, 10 triệu tấn carbon được Ngân hàng Thế giới chi trả 51 triệu USD. Số dư còn lại khoảng 6 triệu tấn đang được xin ý kiến Chính phủ để có phương án giải quyết. Trong đó, có thể dành 5 triệu tấn đưa ra thị trường đấu giá.

Tiếp nối thoả thuận trên, ngành nông nghiệp đang đàm phán thực hiện Thoả thuận giảm phát thải vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ với diện tích 500.000 ha. Dự án này dự kiến có giá trị khoảng 51 triệu USD với mức giá carbon tăng gấp đôi so với thoả thuận trước đó.

Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, hiện ngành nông nghiệp đã hoàn tất các khâu từ quy trình hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả nhận được từ các mô hình thí điểm trên rất đáng khích lệ: chi phí cho sản xuất lúa gạo giảm 30% trong khi thu nhập người nông dân tăng dự kiến từ 40-50%. Đáng chú ý, mỗi ha lúa gạo canh tác theo kiểu mới sẽ giảm được 5 tấn carbon tương đương.

Vướng mắc chính thực hiện đề án trên là nguồn vốn để đầu tư bài bản hạ tầng đồng bộ, bài bản. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp đã đề xuất Chính phủ cơ chế đặc thù để có dự án đầu tư công cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Những nỗ lực trên đã hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi phương thức canh tác, bước đầu đặt nền tảng cho hệ thống đo đạc carbon, tiến tới xác nhận tín chỉ carbon” - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng nhận định, thực hiện giảm phát thải, phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn.

Đó là, nguồn vốn lớn, tổng hỗ trợ tài chính, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế thực hiện giảm phát thải trong ngành nông nghiệp đến năm 2030 là 20,5 tỷ USD (không có hỗ trợ quốc tế là 6 tỷ USD).

Ngoài ra là việc thiếu hụt nguồn nhân lực; việc kiểm kê phát thải khí nhà kính làm cơ sở tính toán tín chỉ carbon cho hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa hoàn thiện; chất lượng dữ liệu chưa đủ độ tin cậy; cơ chế tài chính cho việc sở hữu tín chỉ carbon, cơ chế đảm bảo an toàn bảo mật cho các giao dịch tín chỉ carbon… còn đang hoàn thiện.

Tuy nhiên, xác định xu hướng chung trên thị trường thế giới là tiêu dùng xanh, ngành nông nghiệp tiếp tục truyền thông nâng cao năng lực cho các chủ thể về Net Zero; thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nghiên cứu phương pháp giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với bối cảnh Việt Nam…

“Giảm phát thải là trách nhiệm thực hiện phát triển bền vững - tiêu chuẩn mới về mặt thị trường để giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng tài nguyên, tăng giá bán và giá trị nông sản Việt, tăng uy tín quốc tế chứ không hẳn là giảm phát thải hướng đến mục đích tạo tín chỉ carbon để giao dịch” - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

Trên tinh thần đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, các bộ ngành phải rõ ràng trong chủ trương, quan điểm về giảm phát thải, giao dịch tín chỉ carbon theo xu hướng toàn cầu và cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Đây là xu thế bắt buộc và mang lại nhiều cơ hội, lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, cần đầu tư xứng đáng để bù đắp cho nỗ lực giảm carbon trong nông nghiệp, lâm nghiệp vì đây là khu vực duy nhất hấp thụ phát thải nhưng cũng là lĩnh vực có đông các hộ sản xuất nhỏ chịu nhiều tổn thương của biến đổi khí hậu.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn