Giảm lãi suất cần sự đồng thuận

Theo Chinhphu.vn

Việc giảm lãi suất cần có sự đồng thuận cao từ phía các ngân hàng, nếu không sẽ không giảm được lãi suất mà có thể còn dẫn tới cuộc chạy đua khuyến mãi giữa các ngân hàng.

Một số ngân hàng đã hạ lãi suất

Sự đồng thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) về việc giảm lãi suất huy động xuống còn 11% từ ngày 15/10 đã bắt đầu có những chuyển động cụ thể.

Chiều 14/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 15/10 - ngày đồng thuận hạ lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) giữa các ngân hàng hội viên VNBA có hiệu lực, thay cho biểu lãi suất huy động áp từ ngày 20/9 trước đó.

Trong biểu mới, mức lãi suất huy động VND cao nhất của ACB là 11%/năm - mức tối đa theo đồng thuận nói trên, thay cho mốc cao nhất 11,2%/năm trước đó. Mức 11%/năm này được áp dụng cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi kỳ hạn 36 tháng.

Ở lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm khác, ACB áp dụng mức phổ biến thấp hơn so với mốc tối đa 11%/năm theo đồng thuận. Cụ thể, ngoài kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) và 36 tháng là 11%/năm, các kỳ hạn còn lại từ tuần cho đến 24 tháng (lĩnh lãi theo quý) đều áp mức dưới 11%/năm.

Trước đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Đại Á (DaiABank), Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM (HDBank) cũng đã chủ động rút lãi suất huy động VND ở tiết kiệm thường về tối đa dưới 11,2%/năm; cá biệt chỉ áp tối đa 11,2% cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang với tiền gửi có giá trị lớn (từ 2 tỷ đồng trở lên).

Các Ngân hàng ACB, Vietcombank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã hạ lãi suất cho vay.

Cuối chiều 15/10, Vietcombank công bố quyết định giảm lãi suất VND, cả huy động và cho vay. Theo đó,  điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay VND, mức điều chỉnh thấp nhất chỉ còn 11,5%/năm.
Lãi suất huy động của Vietcombank cũng được hạ xuống, cụ thể là: kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thấp nhất là 10,8% năm nhưng không được cao hơn 11%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 10,5%/năm nhưng không được cao hơn 11%/năm; còn kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng có cùng lãi suất là 11%/năm.

Điểm lại những lần thực hiện mốc hẹn đồng thuận hạ lãi suất những năm gần đây, đây là lần đầu tiên thị trường ghi nhận các ngân hàng thương mại cổ phần chủ động đi trước (và công bố trước) các ngân hàng quốc doanh.

Cần sự đồng thuận cao

Tuy nhiên, khảo sát chung cho thấy vẫn còn khá nhiều thành viên VNBA lưỡng lự và chưa áp biểu lãi suất mới. Điều này được giải thích từ sự chờ đợi phản ứng của các thành viên khác, nhất là động thái của các ngân hàng lớn.

Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank đồng thuận với chủ trương hạ lãi suất của VNBA. Nếu tất cả các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất huy động thì lãi suất cho vay sẽ giảm xuống.

Trên thực tế, việc giảm lãi suất đang bị níu kéo do 3 vấn đề.

Thứ nhất, Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động gây một vài trở ngại cho các ngân hàng trong khả năng chi trả. Thứ hai, giá vàng, giá ngoại tệ vừa qua tăng mạnh nên nhiều người thích đầu tư vào 2 kênh này hơn là gửi tiền ngân hàng. Thứ ba, CPI tăng cao trong tháng 9 vừa qua khiến người dân lo ngại gửi tiền dài hạn sẽ bị mất giá trị và tiền gửi ngắn hạn là lựa chọn của họ.

Theo bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBbank), MBbank hưởng ứng lời kêu gọi của VNBA. Tuy nhiên, giảm lãi suất huy động vào thời điểm cuối năm sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc huy động vốn. Vì đây cũng là thời điểm doanh nghiệp cần nhiều vốn nhất và bản thân các ngân hàng cũng phải đáp ứng các quy định của Thông tư 13.

Còn theo một lãnh đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức lãi suất huy động của các ngân hàng niêm yết là 11%/năm (theo đồng thuận), nhưng cộng với các chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng… thì mức lãi suất huy động thực sự lên tới trên 12%/năm. Hơn nữa, các ngân hàng cũng còn phải chi cho quảng bá các chương trình khuyến mãi.

Việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thể thực hiện được theo mệnh lệnh hành chính, nhưng kéo theo đó có thể là "cuộc đua ngầm" khuyến mãi. Đó sẽ là thách thức không nhỏ cho những nỗ lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc giảm lãi suất huy động xuống 10%/năm, lãi suất cho vay xuống 12%/năm như Chính phủ đã đề ra.

Theo bà Nga, việc giảm lãi suất cần có sự đồng thuận cao từ phía các ngân hàng, nếu không sẽ không giảm được lãi suất mà còn có thể dẫn tới cuộc chạy đua khuyến mãi giữa các ngân hàng.

Chính vì khó giảm lãi suất huy động nên lãi suất đầu ra cũng chưa thể hạ sâu được. Hiện BIDV là một trong những ngân hàng cho vay với lãi suất thấp nhất với lãi suất cho doanh nghiệp vay là trên 13,5%/năm, lãi suất vay tiêu dùng trên 14,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đã khoảng 12%/năm, trừ các khoản chi phí, dự phòng rủi ro thì chênh lệch lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra là không đáng kể, lãnh đạo của BIDV cho biết thêm.