TP. Hồ Chí Minh: Số ca sốt xuất huyết gia tăng, đã có 6 ca tử vong
Tích lũy 27 tuần đầu năm, địa bàn TP. Hồ Chí Minh (mới) đã có 14.370 ca sốt xuất huyết, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó ghi nhận có 6 ca tử vong.

Số ca bệnh gia tăng
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa nhiễm cho biết, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết trong đó có những ca sốc sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nội trú và ngoại trú ghi nhận đều tăng lên từ 2 đến 2,5 lần. Đây là một điều đáng báo động khi số lượng ca bệnh tăng lên nhiều như vậy sẽ gây ra tình trạng quá tải cũng như là gánh nặng cho ngành y tế.
“Một sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải đó là khi đứa nhỏ sốt được 2 -3 ngày thì hết sốt, tâm lý người nhà lúc đó nhận định rằng cái sốt là cái bệnh, hết sốt là hết bệnh do vậy phụ huynh ít khi nào chịu đưa con đi khám khi trẻ đã hết sốt. Nhưng thật ra khi trẻ bắt đầu hết sốt, trẻ sẽ mệt hơn nhiều và không chịu chơi. Đó là một trong những dấu hiệu gợi ý rằng trẻ cần được đưa đi khám ngay. Khi coi lại hồ sơ của các ca bệnh nặng thì phần lớn các phụ huynh đều rơi vào trường hợp này. Đó là điều mà phụ huynh cần phải lưu ý”, bác sĩ Qui nhấn mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng đưa ra cảnh báo bệnh sốt xuất huyết khi tiến triển nặng có thể dẫn đến trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp và tử vong. Vì vậy cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
“Đối với các bệnh nhi bị sốt từ 2-3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết...), đau bụng, nôn ói nhiều thì phải đưa đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp”, ông Quang khẳng định.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), từ ngày 30/6 đến 6/7, toàn Thành phố ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước (795 ca). Tích lũy 27 tuần đầu năm, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (mới) đã có 14.370 ca sốt xuất huyết được ghi nhận là, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8.696 ca).
Cụ thể, khu vực TP. Hồ Chí Minh cũ ghi nhận tổng cộng 11.014 ca (tăng 158% so với cùng kỳ 2024); khu vực Bình Dương ghi nhận 2.494 ca (tăng 145% so với cùng kỳ 2024); khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận 862 ca (tăng 122% so với cùng kỳ năm 2024).
Cũng trong thời gian này, toàn địa bàn ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP. Hồ Chí Minh cũ ghi nhận 3 ca tử vong, khu vực Bình Dương ghi nhận 2 ca tử vong và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận 1 ca tử vong.
So sánh với giai đoạn 2019–2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, đây cũng là khung thời gian Thành phố cần đặc biệt cảnh giác. Với xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết.

Đáp ứng của ngành Y tế Thành phố
Trước tình hình trên, ngành Y tế Thành phố đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp đáp ứng nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 15/7, Đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS.BS.CKII. Nguyễn Vũ Trung, Viện Trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát thực tế và làm việc cùng với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch bệnh. Đoàn công tác đã thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn xã Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, PGS.TS.BS.CKII. Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh chỉ hiệu quả khi có sự tham gia và chung tay của người dân tại cộng đồng, cần chủ động diệt lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và hợp tác cùng địa phương trong các chiến dịch vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tập trung vào các biện pháp phòng bệnh và nêu bật những nguy hiểm và gánh nặng chi phí y tế khi mắc bệnh, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ngành Y tế Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để cảnh báo và kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu số ca mắc bệnh sốt xuất huyết.