Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động
(Tài chính) Trong khi tạo việc làm trong nước chỉ đạt 98,8% kế hoạch đặt ra thì xuất khẩu lao động lại vượt tới 20,7% kế hoạch, nhờ đó giải quyết việc làm trên cả nước đã hoàn thành mục tiêu chung. Lần đầu tiên số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đạt trên 100 nghìn người.
“Xuất khẩu lao động trở thành một công cụ góp phần giảm nghèo bền vững cho các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh”, ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đánh giá.
Như Mù Căng Chải và Trạm Tấu là hai huyện đặc biệt khó khăn, trước kia tỷ lệ hộ nghèo lên tới lần lượt là 78% và 75%. Tuy nhiên, từ khi thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hai huyện này đã đưa trên 300 người lao động đi làm có thời hạn ở một số quốc gia như Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thu nhập của các lao động này đều đạt khoảng 5 - 9 triệu đồng/tháng, có vốn tích luỹ và trả nợ ngân hàng, đồng thời gửi về hỗ trợ gia đình.
Mục tiêu trong năm 2015 xuất khẩu lao động đạt 90 nghìn người được đánh giá là không quá khó khăn, nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập và lao động có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để dịch chuyển tự do. Tuy nhiên, theo ông Vượng, cơ hội mở ra cho các địa phương nghèo như Yên Bái chắc chắn sẽ rất chật vật khi chất lượng lao động còn cách xa so với yêu cầu của các thị trường tuyển dụng.
Ví như năm 2014, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Yên Bái đã tư vấn cho khoảng 7 nghìn lượt người. Tuy nhiên, khi so sánh số lượng lao động được tư vấn với số lượng người được cung ứng, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, có thể thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu. Theo ông Vượng, nguyên nhân chủ yếu là tâm lý người lao động vẫn còn lo sợ rủi ro.
Bên cạnh đó, người lao động cũng không đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường hấp dẫn, như thực tập sinh Nhật Bản yêu cầu thời gian đào tạo rất kỹ từ 6 - 12 tháng mới đủ điều kiện xuất cảnh. “Phải là người lao động có trình độ và kiên trì mới tham gia được”, ông Vượng nói.
Chính vì vậy để xuất khẩu trở thành một trợ lực giảm nghèo, ông Vượng đề nghị đẩy mạnh công tác dạy nghề với sự đầu tư của Nhà nước, của các ngành, các địa phương. Ngoài dạy nghề, theo ông Vượng các chính sách hỗ trợ tài chính cũng cần được bổ sung để linh hoạt hơn và hỗ trợ tốt hơn cho người lao động như gia hạn thời gian hoặc miễn giảm vốn vay trong các trường hợp thị trường đưa lao động đi làm việc bị suy giảm kinh tế hay gặp chiến tranh, thiên tai...