Giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng, dầu
Sở Công Thương tỉnh Long An, Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp chặt chẽ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trên địa bàn tỉnh có 472 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang hoạt động với sức chứa khoảng 20.000m3, lượng bán bình quân của các cửa hàng xăng, dầu từ 45.000 - 55.000m3/tháng (bình quân 90-120m3/cửa hàng/tháng).
Tỉnh có 3 kho xăng, dầu sức chứa 18.000m3; 4 đơn vị đầu mối, phân phối xăng, dầu. 4 đơn vị đầu mối này cung cấp cho 159 cửa hàng, đại lý. 335 cửa hàng, đại lý còn lại nhận hàng từ các đơn vị đầu mối và phân phối ngoài tỉnh.
Thời gian qua, do nguồn cung xăng, dầu còn hạn chế, cung cấp chậm, chiết khấu thấp kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu giảm lượng bán, giảm thời gian bán hàng, tạm dừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể do thua lỗ kéo dài.
Trước diễn biến này, Sở Công Thương, Cục QLTT, lực lượng chức năng các địa phương thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng, dầu đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất và ngay khi nhận được thông tin phản ánh của người dân.
Theo đó, từ ngày 01 đến 04/9/2022, các lực lượng chức năng đã giám sát 515 lượt cửa hàng xăng, dầu. Qua kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng găm hàng chờ tăng giá hoặc đầu cơ, tích trữ tạo khan hiếm nguồn xăng, dầu để trục lợi.
Trong đợt giám sát vừa qua, có 3 trường hợp (huyện Bến Lức, Thủ Thừa, TP.Tân An) cửa hàng ngừng kinh doanh mặt hàng xăng do nguồn cung không kịp đáp ứng, sau khi nguồn cung đầy đủ, các cửa hàng đã mở cửa bán trở lại; một số ít cửa hàng bán theo định mức để duy trì nguồn cung xuyên suốt, hạn chế bán vào can, thùng phuy.
Theo đánh giá từ lãnh đạo Sở Công Thương, hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh nhìn chung có biến động, thiếu nguồn cung tạm thời tại một số ít cửa hàng ở một vài thời điểm nhất định. Nhưng với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của các đơn vị kinh doanh, nguồn cung xăng, dầu đã được bổ sung; tình hình cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì, bảo đảm phục vụ sản xuất, lưu thông, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Cục QLTT và địa phương nắm tình hình và giám sát, kiểm tra việc kinh doanh xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. Sở Công Thương đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối bổ sung nguồn cung xăng, dầu cho các cửa hàng xăng, dầu để phục vụ các ngày cao điểm. Các đội QLTT giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng, dầu, dán số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng xăng, dầu.
Các trường hợp ngưng hoạt động, đóng cửa, bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp mất thông tin số điện thoại đường dây nóng tại các trụ bơm xăng, dầu thì dán bổ sung để người dân kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng khi cửa hàng đóng cửa, ngưng hoạt động.