Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng luôn bảo đảm tính độc lập, khách quan, đúng pháp luật

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Phòng chống tham nhũng là lĩnh vực rất nhạy cảm và khó xử lý vì người thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan nhà nước, họ có kinh nghiệm, nghiệp vụ trong công tác chuyên môn nên có khả năng che dấu tội phạm tốt và có những mối quan hệ nhất định... Do đó, việc giám sát của Ủy ban Tư pháp luôn bảo đảm tính độc lập, khách quan, đúng pháp luật, không chịu bất kỳ áp lực nào từ các cơ quan khác.

Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng luôn bảo đảm tính độc lập, khách quan, đúng pháp luật
Phòng chống tham nhũng là lĩnh vực rất nhạy cảm và khó xử lý. Nguồn: internet

Nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng được triển khai đã bước đầu mang lại hiệu quả

Trong năm 2013, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước ta và nhận được sự quan tâm, quán triệt thực hiện của các cấp, các ngành và nhân dân.

Qua công tác giám sát việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp nhận thấy Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/6/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 27/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 150/NĐ-CP  ngày 1/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; và đang nghiên cứu ban hành Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị về việc đưa chương trình Phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo...

Nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng được triển khai đã bước đầu mang lại hiệu quả như cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu...

Tuy nhiên, vẫn còn một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua triển khai cho thấy hiệu quả chưa cao, có biện pháp còn vướng mắc về cơ chế thực hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu để có những điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân từ nhận thức, tính nghiêm minh trong quá trình áp dụng pháp luật. Thời gian tới, Ủy ban Tư pháp cùng các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Quốc hội trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các dự án luật có liên quan để hoàn thiện hơn nữa về thể chế phòng, chống tham nhũng.

Năm 2013, Ủy ban Tư pháp cũng đã triển khai nhiều hoạt động như giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức phiên giải trình, khảo sát, giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đối với một số vụ việc, vụ án cụ thể... để thu thập thông tin nhằm phục vụ cho thẩm tra tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Việc thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhằm đánh giá tính đúng đắn của việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đánh giá công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, bất cập...

Trên cơ sở đó, tìm ra những nguyên nhân để khắc phục, cả về cơ chế pháp luật và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Nội dung Báo cáo thẩm tra là việc đánh giá Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng đã đúng với thực tế, đã khách quan, nghiêm minh và tuân thủ pháp luật.

Hạn chế áp dụng pháp luật để miễn trách nhiệm hình sự, phạt tù cho hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đối với các tội phạm tham nhũng

Về công tác phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, năm 2013 đã được tăng cường hơn so với trước (được biểu hiện bằng số vụ án được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đều tăng so cùng kỳ năm 2012), nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và đưa ra xử lý thu hút được sự quan tâm của cử tri, nhân dân.

Qua công tác giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp về việc phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ vào tháng 7/2013, thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết một số vụ án cụ thể, về cơ bản, chúng tôi thấy rằng việc xử lý tội phạm về tham nhũng của nhiều cơ quan chức năng là khá nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, phúc đáp yêu cầu chính trị mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định là: phải xử lý thật nghiêm minh đối với tội phạm về tham nhũng để củng cố lòng tin của nhân dân với bộ máy nhà nước. Việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng luôn phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, đúng sự thật và chỉ tuân theo pháp luật. Không có dư luận hoặc sức ép nào làm ảnh hưởng tới phán quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, còn một số vụ án áp dụng pháp luật miễn trách nhiệm hình sự, cho hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ chưa nghiêm, có biểu hiện nương nhẹ. Thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát việc xử lý tội phạm về tham nhũng của các cơ quan chức năng, đồng thời kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan tư pháp ở Trung ương khẩn trương hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật đối với việc xử lý tội phạm về tham nhũng, đặc biệt là việc hạn chế áp dụng pháp luật để miễn trách nhiệm hình sự, phạt tù cho hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Có thể thấy, phòng chống tham nhũng là lĩnh vực rất nhạy cảm và khó xử lý vì người thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan nhà nước, họ có kinh nghiệm, nghiệp vụ trong công tác chuyên môn nên có khả năng che dấu tội phạm tốt và có những mối quan hệ nhất định. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp là cơ quan thuộc Quốc hội, thành viên Ủy ban đều là Đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn chịu trách nhiệm trước nhân dân trong mọi hoạt động của mình. Do đó, việc giám sát của Ủy ban Tư pháp luôn bảo đảm tính độc lập, khách quan, đúng pháp luật, không chịu bất kỳ áp lực nào từ các cơ quan khác. Hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp nhiều năm qua đã phản ánh rõ điều này.

Năm 2014 và các năm tiếp theo, định hướng của Ủy ban Tư pháp là thường xuyên tăng cường năng lực, nghiệp vụ và bản lĩnh trong giám sát; kết hợp nhiều phương pháp giám sát như giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, giám sát cá biệt, giải trình, xử lý đơn thư, khảo sát thực tiễn nhằm bảo đảm cho công tác thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng luôn thực sự khách quan, có hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp đang nghiên cứu để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin, phối hợp hành động, thống nhất chủ trương xử lý đối với hành vi tham nhũng.