Xu hướng giám sát của các nước trên thế giới
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh rủi ro. Để góp phần định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phát triển ổn định, bền vững thì vai trò giám sát của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Phương thức giám sát có thể coi là hệ thống phương pháp các cơ quan sử dụng để tác động vào các định chế trên thị trường bảo hiểm (TTBH) phi nhân thọ nhằm đạt được những mục tiêu và yêu cầu giám sát đã đề ra. Trên thực tế, nhiều nước đã đưa ra các phương pháp giám sát nhằm đảm bảo các DNBH phi nhân thọ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật nước đó. Các phương pháp chủ yếu như: Phương thức giám sát tuân thủ; Phương thức giám sát dựa trên cơ sở rủi ro.
- Phương thức giám sát tuân thủ: Cơ quan giám sát yêu cầu các DNBH, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm phải tuân thủ theo các quy định của luật định. Cơ quan giám sát sẽ tập trung nguồn lực giám sát trên cơ sở phân tích chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của DN (chủ yếu là thông tin từ hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ của DNBH, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm so sánh với các tiêu chí giám sát đặt ra. Đưa ra các biện pháp điều chỉnh nếu có sự khác biệt giữa các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh và các tiêu chí giám sát.
- Phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro: Tập trung nguồn lực giám sát những lĩnh vực có rủi ro cao bằng danh mục đánh giá rủi ro một cách hệ thống và năng lực quản lý rủi ro của các thể chế tài chính trên chế độ giám sát liên tục. Chế độ đánh giá trên cơ sở rủi ro định lượng hóa quy mô rủi ro phát sinh từ tình hình kinh doanh và năng lực quản lý của DNBH trên cơ sở đánh giá tổng hợp đồng bộ nhằm phát hiện các bộ phận yếu kém của DN. Kết quả đánh giá được sử dụng trong việc thực hiện các biện pháp giám sát và lập kế hoạch kiểm tra để nâng cao hiệu quả giám sát.
Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, các cơ quan giám sát thị trường sẽ lựa chọn phụ thuộc vào mức độ phát triển của TTBH từng nước, trình độ của cơ quan giám sát, nhận thức của cơ quan giám sát.
Hướng tới một TTBH phát triển bền vững trong một thế giới thay đổi là chủ đề của Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Hiệp hội Quốc tế các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS) (diễn ra từ ngày 16-19/10/2013 tại Đài Loan - Trung Quốc) cũng chính là điều mà các cơ quan bảo hiểm các nước quan tâm. Để thực hiện điều đó, công tác giám sát TTBH phi nhân thọ của các nước trong thời gian đòi hỏi phải có những chuyển biến phù hợp. Cơ quan giám sát tại các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách về giám sát, tập trung vào các chuẩn mực giám sát và thông qua phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro. IAIS khuyến cáo các nước, nhất là các nước ở thị trường mới nổi chuyển sang phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro để tăng cường mức độ dự đoán và phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra đối với các DNBH, giúp thị trường phát triển bền vững.
Phương thức giám sát ở Việt Nam
Trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 khẳng định: “Giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị DN, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật của DNBH, DN môi giới bảo hiểm; áp dụng các biện pháp cần thiết để DNBH bảo đảm các yêu cầu về tài chính và thực hiện những cam kết với bên mua bảo hiểm.”
Như vậy, cơ quan giám sát Việt Nam đang áp dụng phương thức giám sát tuân thủ. Phương thức giám sát tuân thủ tập trung vào đánh giá tính lành mạnh của hoạt động tài chính và khả năng thanh toán của các DNBH tại thời điểm đánh giá dựa trên tình hình kinh doanh của DNBH trong quá khứ (báo cáo tài chính của DN) và hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro so với luật định. Với phương thức giám sát này, cơ quan giám sát tập trung nguồn lực giám sát vào giám sát tài chính (trên cơ sở phân tích tình hình tài chính, phân tích chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của DN), giám sát hoạt động nghiệp vụ (quản trị DN, quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro,..) trên cơ sở các quy định của pháp luật và tính tuân thủ pháp luật của các DNBH. Cán bộ giám sát sẽ dựa trên số liệu báo cáo của DN để đối chiếu với các qui định của pháp luật, phát hiện những sai sót của DN để có khuyến cáo và đưa ra các biện pháp điều chỉnh nếu có sự khác biệt giữa các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh và các tiêu chí giám sát.
Do thực hiện giám sát theo phương thức tuân thủ nên cơ quan giám sát thường thực hiện xử lý thông tin dữ liệu quá khứ. Do đó, nhiều khi các biện pháp xử lý không có hiệu quả cao vì các rủi ro đã xảy ra. Hoặc khi phát hiện các rủi ro thì trên thực tế đã thay đổi rất nhiều.
Với một nguồn lực còn bị hạn chế thì phải mất nhiều năm nữa cơ quan giám sát mới có thể thực hiện kiểm tra và thanh tra hết một lượt các DN theo phương thức giám sát hiện nay; Chưa thể tập trung giám sát vào những điểm rủi ro cao mà vẫn mang tính dàn trải; Nhưng khả năng dự báo cũng như đưa ra những cảnh báo sớm đối với thị trường còn hạn chế; Mức dự báo và cảnh báo không cao.
Trong tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi, tác động sự biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, trục lợi bảo hiểm... hoạt động kinh doanh của DNBH sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Với vai trò của cơ quan giám sát, định hướng và giúp thị trường phát triển lành mạnh, cơ quan giám sát bảo hiểm phải thực hiện giám sát sớm để chỉ ra những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra với DNBH, giúp DNBH có biện pháp điều chỉnh tránh xảy ra đổ vỡ cho thị trường.
Theo xu hướng và kinh nghiệm của các nước thì việc chuyển đổi sang phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro là phù hợp. Do đó, Việt Nam nên đổi mới phương thức giám sát hiện nay, chuyển sang phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro. Phương pháp tiếp cận này không chỉ xem xét những rủi ro hoạt động của DNBH ở thời điểm hiện tại mà còn xem xét những thay đổi có thể xảy ra với hoạt động kinh doanh trong tương lai. Việc giám sát được thực hiện liên tục, kịp thời xác định được các rủi ro có khả năng gây ra thiệt hại cho các DNBH, từ đó có các biện pháp phòng ngừa. Phương pháp này sẽ giúp đánh giá không chỉ những kết quả tài chính, như tính lành mạnh của tài sản tại thời điểm đánh giá mà còn cho biết khả năng thua lỗ trong tương lai dựa trên những số liệu lịch sử và kinh nghiệm (chỉ số mất khả năng thanh toán, chỉ số tổn thất…).
Xuất phát từ những yêu cầu và xu hướng chung của thế giới, Việt Nam nên có sự chuẩn bị và từng bước chuyển sang phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro. Tuy nhiên, để chuyển đổi phuơng thức giám sát thì Việt Nam cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp và các nội dung cần triển khai. Cụ thể:
- Hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện giám sát, cần có quy định xác định mức vốn trên cơ sở rủi ro, các quy định và chế tài cho cơ quan giám sát thực hiện giám sát trên cơ sở rủi ro. Xác định các loại rủi ro phát sinh là cơ sở đánh giá đối với TTBH phi nhân thọ ở Việt Nam;
- Xây dựng quy trình giám sát trên cơ sở rủi ro;
- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, các mô hình phân tích;
- Trang bị cho đội ngũ cán bộ giám sát trình độ, kiến thức, hiểu biết nhất định về DNBH, về nghiệp vụ bảo hiểm và phải có kinh nghiệm phán đoán các rủi ro có khả năng xảy ra;
- Bên cạnh đó, phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro đề cao hệ thống quản trị của DN, mức độ đáp ứng của DNBH trong việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro của DN sẽ có tác động giảm thiểu những rủi ro phát sinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Michael colhen, Implementing Risk Based Supervision in Emerging markets, Lambert Academic Publising 2012;
2. IAIS, Insurance Core Principle, Standards, Guidanceand assessment methodology, octorber 2011;
3. Tài liệu Hội nghị IAIS 20 (tháng 10/2013 tại Đài Loan);
4. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh Bảo hiểm (2010).
Giám sát rủi ro thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam
(Tài chính) Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi cần nâng cao công tác giám sát thị trường, nhằm đảm bảo sự an toàn và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế…
Xem thêm