Giám sát tài chính phải có đủ thông tin về đối tượng
(Tài chính) Tăng cường phối hợp giám sát là một yêu cầu quan trọng để giúp hệ thống tài chính - ngân hàng (TCNH) hoạt động an toàn, ổn định.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua một lần nữa cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của công tác giám sát trong việc đảm bảo cho hoạt động ổn định của hệ thống TCNH. Việc xây dựng được một hệ thống giám sát tài chính tốt - tức là làm tốt 3 chức năng chính là giám sát ổn định vĩ mô; giám sát an toàn vi mô và giám sát hành vi kinh doanh - một mặt giúp đảm bảo an toàn và lành mạnh của các định chế tài chính (ĐCTC), qua đó giúp hạn chế rủi ro hệ thống; mặt khác giúp đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của thị trường tài chính, đồng thời bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư.
Trên thế giới hiện có 5 mô hình cơ bản trong giám sát hệ thống TCNH, gồm: Giám sát chuyên ngành; Giám sát theo mục tiêu (chóp đôi - “Twin-peaks”); Giám sát hỗn hợp (bán hợp nhất); Giám sát theo chức năng kinh doanh và Giám sát hợp nhất. Trong đó, theo khảo sát trên 98 quốc gia của các chuyên gia Melecky và Podpiera, tính đến năm 2011, mô hình giám sát chuyên ngành vẫn là hình thức phổ biến nhất, chiếm tới 42%. Tiếp đến là giám sát hợp nhất với tỷ lệ 31%.
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thực tiễn trên cho thấy, không có mô hình giám sát nào là siêu việt và lý tưởng. “Tuy nhiên, mô hình giám sát chuyên ngành vẫn là phổ biến nhất, trong đó ngân hàng trung ương (NHTW) giữ vai trò quan trọng trong giám sát ngân hàng. Đơn cử, khảo sát 102 quốc gia bởi Masciandaro và Quintyn (2011) cho thấy, 86% quốc gia có NHTW là cơ quan chính trong giám sát hệ thống ngân hàng” – TS. Lực cho biết.
Mô hình giám sát chuyên ngành là việc NHTW đảm nhiệm giám sát ổn định vĩ mô, còn với từng lĩnh vực cụ thể sẽ do các cơ quan liên quan đảm nhiệm. Ví dụ, giám sát các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ do cơ quan thanh tra giám sát (CQTTGS) - thuộc hoặc không thuộc NHTW đảm nhiệm; giám sát chứng khoán do cơ quan giám sát chứng khoán (tại Việt Nam là Ủy ban chứng khoán – Bộ Tài chính) và (hoặc) các tổ chức tự quản (SROs) đảm nhiệm; giám sát bảo hiểm do cơ quan giám sát bảo hiểm (tại Việt Nam là Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm – Bộ Tài chính) và (hoặc) các tổ chức tự quản (SROs) đảm nhiệm.
Một trong các lý do chủ yếu khiến mô hình giám sát chuyên ngành vẫn được nhiều nước sử dụng vì mô hình này có những ưu điểm lớn. Đơn cử, mô hình này đặt NHTW có vai trò quan trọng trong giám sát hệ thống ngân hàng bởi NHTW có lợi thế về thông tin, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ nên có thể phát huy tốt nhất khả năng giám sát với các NHTM.
Bên cạnh đó, trong các tập đoàn tài chính ngân hàng (TĐTC) thì ngân hàng luôn là cốt lõi, nếu có vấn đề gì xảy ra với tập đoàn đó thì việc xử lý mảng ngân hàng là yếu tố quan trọng nhất và NHTW là cơ quan có thể làm tốt nhất điều này. Ngoài ra, giám sát theo mô hình này cũng giúp việc xử lý khủng hoảng với các ngân hàng thuận lợi hơn nhiều.
Một dẫn chứng là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, sở dĩ Mỹ xử lý được các khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng nhanh như vậy là nhờ Cục Dự trữ Liên bang Fed – NHTW của Mỹ là cơ quan nắm rõ thông tin nhất và đã mạnh tay xử lý quyết liệt qua kết hợp với Bộ Tài chính nước này.
Việt Nam hiện đang đi theo mô hình giám sát chuyên ngành. Trong những năm vừa qua, hoạt động giám sát ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến lớn như đã thành lập được cơ quan chuyên biệt theo hướng tập trung hóa; ban hành được hệ thống văn bản pháp quy khá đồng bộ; phương thức giám sát đang từng bước tiến dần theo thông lệ quốc tế; các hoạt động giám sát ngày càng bám sát thị trường hơn, góp phần quan trọng trong việc ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng…Nhưng phải thừa nhận, như vậy là chưa đủ. Vậy làm thế nào để công tác giám sát hiệu quả hơn?
Nhiều việc phải làm
Giới chuyên môn nhận định: trong hoạt động giám sát tài chính ngân hàng, hiện ở Việt Nam vẫn còn một số bất cập. Trong đó, nổi lên là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác giám sát. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ các TĐTC và hoạt động bán chéo sản phẩm như: Bancassurance, nghiệp vụ cho vay chứng khoán… vốn đang ngày càng phát triển trên thị trường với nhiều sản phẩm rất linh hoạt. Đặc biệt, chưa có sự phân định hay văn bản quy định rõ ràng trong giám sát các TĐTC hoạt động trong cả lĩnh vực ngân hàng và tài chính như bảo hiểm, chứng khoán….
Công tác giám sát cũng chưa được thực hiện dựa trên cơ sở rủi ro (risk-based supervision) mà mới chủ yếu dựa trên giám sát tuân thủ. Ngoài ra, công tác giám sát còn có các bất cập lớn khác như: thiếu nguồn lực cần thiết về công nghệ thông tin, nhân lực, thông tin dữ liệu…; các văn bản pháp quy chưa hoàn thiện do còn thiếu, hoặc hay bị điều chỉnh, thay đổi…. và các chế tài, việc cưỡng chế cũng chưa đủ mạnh.
Theo TS. Lực, để giải quyết các bất cập trên, công tác giám sát có 5 vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác phối hợp chính sách và phối hợp giám sát của các cơ quan có trách nhiệm. Đặc biệt trong giám sát các TĐTC lớn, các TĐTC nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các NHTM Việt Nam đang vươn ra hoạt động tại khu vực và toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam nên có một đầu mối là một tổ chức chịu trách nhiệm cho rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng và giám sát các TĐTC.
Thứ ba, cần xây dựng một cơ chế bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và minh bạch, phối hợp tốt trong xử lý khủng hoảng. Liên quan đến vấn đề này, TS. Lực cho rằng có 2 vấn đề cần làm rõ ngay là phân loại “sức khỏe” ngân hàng trên cơ sở rủi ro để tính phí bảo hiểm hợp lý; Và tính toán lại mức độ bồi thường bảo hiểm tiền gửi, vì mức 50 triệu hiện nay được áp dụng từ năm 1999 và dường như không còn phù hợp.
Thứ tư, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực lãnh đạo tốt, cùng với CNTT hiện đại để có thể giám sát ngân hàng hiệu quả.
Và thứ năm, cần có tính độc lập tương đối của CQTTGS; đồng thời tăng cường tính gắn kết giữa CQTTGS của ngân hàng nhà nước với các hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ của các NHTM.