Những rủi ro

Những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam tương đối tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì rủi ro và những diễn biến phức tạp của nó vẫn luôn là sự thách thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

- Về vốn: Có thể nói số lượng các ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua tăng lên khá nhanh, nhưng số lượng ngân hàng có quy mô nhỏ còn nhiều, mặc dù chủ trương nâng cao năng lực tài chính của Chính phủ đặt ra lộ trình tăng vốn pháp định của các ngân hàng lên mức 3.000 tỷ đồng từ năm 2010. Bên cạnh đó, lộ trình tăng vốn pháp định lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015 cũng đã được đưa ra song không phải tất cả các ngân hàng đều đáp ứng được đúng hạn.

Nhóm Tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng: Đứng đầu là các tuy NHTM cổ phần có nguồn gốc từ các ngân hàng quốc doanh như VCB, Vietinbank. Ngoài ra, còn có các ngân hàng đã niêm yết như ACB, EIB, STB, và đáng chú ý là các ngân hàng chưa niêm yết tăng trưởng mạnh trong thời gian qua như Techcombank, Maritime Bank (MSB).

Nhóm Tổng tài sản từ 50.000 đến 100.000 tỷ đồng: Mặc dù chưa thể gia nhập nhóm thứ nhất nhưng đây cũng là những ngân hàng có thương hiệu khá mạnh, và đều đã đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng của NHNN.

Nhóm Tổng tài sản từ dưới 50.000 tỷ đồng: Phần lớn NHTM của Việt Nam thuộc nhóm này. Đây là nhóm ngân hàng có thương hiệu chưa mạnh, sức mạnh tài chính chưa cao và phần lớn vừa mới tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trong thời gian gần đây.

- Về nợ xấu: Nợ xấu là vấn đề thường trực trong ngân hàng, vì hoạt động tín dụng luôn có rủi ro. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, có những ngân hàng nợ xấu chỉ 2-3% song cũng không ít ngân hàng chỉ số đã lên tới 40%. Điều đáng lo là: Thứ nhất, con số này đang tăng rất nhanh. Thứ hai, cách xếp loại nợ xấu ở Việt Nam cũng khá “nương tay”, chỉ có các phần nợ đến hạn không trả được mới bị coi là nợ xấu. Vì thế, một số tổ chức độc lập khác khi nói về nợ xấu ở Việt Nam thường đưa ra con số cao hơn.

- Tín dụng tăng trưởng âm: Tính đến ngày 21/3 tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,31% so với cuối tháng trước, riêng tín dụng VND tăng 0,69%. Tuy vậy, sau khi giảm lãi suất cho vay, nguồn vốn cho vay vẫn không được cải thiện đang gây ra tình trạng tín dụng tăng trưởng âm. Nhiều doanh nghiệp (DN) rất cần nguồn tín dụng ngân hàng nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn (làm ăn thua lỗ, nợ chưa trả ở mức cao, trong đó có cả nợ xấu…). Mặt khác, có không ít DN tuy bảo đảm điều kiện được vay vốn nhưng lại không có khả năng tạo lợi nhuận từ vốn vay ngân hàng. Hàng hóa tồn kho lớn, sản xuất bị đình trệ buộc phải cắt giảm sản xuất, lực lượng lao động. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến DN không dám tiếp tục vay vốn ngân hàng mặc dù lãi suất đã được hạ thấp.

Giải pháp giảm thiểu rủi ro

Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng:

- Các NHTM phải kịp thời triển khai việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm hỗ trợ cho quản trị rủi ro; Nghiên cứu, đưa vào áp dụng các mô hình quản trị rủi ro phù hợp với các quy định hiện hành, đặc điểm hoạt động của từng NHTM và thông lệ quốc tế

- Chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, đo lường rủi ro, trong đó có rủi ro tín dụng.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng trong toàn hệ thống.

Giải pháp hạn chế rủi ro ngoại hối

- Giải pháp phòng ngừa rủi ro nội bảng:

+ Ngân hàng cần luôn duy trì một sự cân xứng tài sản nợ và tài sản có ngoại tệ; duy trì trạng thái ngoại hối ròng ở mức hợp lý.

+ Đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng phân tích và dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động tỷ giá của các loại đồng tiền, trên cơ sở đó để có quyết định đúng đắn về các hợp đồng mua, bán ngoại tệ.

- Giải pháp phòng ngừa rủi ro ngoại bảng:

Ngân hàng cần phát triển và sử dụng các loại công cụ tài chính có khả năng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngoại hối, như hợp đồng forwards, hợp đồng futures (cũng giống như Forwards nhưng được giao dịch trên thị trường chính thức), thực hiện các giao dịch swap ngoại tệ, quyền lựa chọn (Option). Tuy nhiên, thực hiện các nghiệp vụ này NHTM cần thận trọng, đặc biệt đối với nghiệp vụ Quyền lựa chọn rất dễ gây ra rủi ro vì thị trường ngoại hối của Việt Nam chưa phát triển. Đó là chưa kể VND chưa có khả năng chuyển đổi nên việc thực hiện đồng thời 2 giao dịch ngược chiều với 2 khách hàng là rất khó khăn. Chính vì vậy, trong qui định của NHNN cho phép các NHTM thực hiện nghiệp vụ Quyền lựa chọn đòi hỏi phải có những điều kiện rất chặt chẽ…

Giải pháp phòng ngừa rủi ro thanh khoản

Để hạn chế rủi ro thanh khoản, NHTM cần:

- Tính toán chính xác nhu cầu thanh khoản của NHTM để thực hiện dự trữ hợp lý, không nên để nguồn vốn quá dư thừa gây lãng phí vốn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

- Xây dựng danh mục đầu tư hợp lý, có tỷ trọng hợp lý về đầu tư vào chứng khoán, có khả năng chuyển đổi nhanh sang tiền mặt với chi phí chuyển đổi thấp nhất hoặc bằng không.

- Quản lý tài sản có hiệu quả, tạo tính ổn định cao để không tạo ra những cú sốc rút tiền ồ ạt. Đồng thời phải dự báo tốt nhu cầu rút tiền của khách hàng trong từng thời kỳ để có thể chủ động chuẩn bị nguồn vốn chi trả kịp thời.

Giải pháp phòng ngừa rủi ro lãi suất

- Duy trì sự cân đối các khoản nhạy cảm với lãi suất bên tài sản nợ với tài sản có.

- Sử dụng chính sách lãi suất linh hoạt, đặc biệt đối với những khoản vay lớn, thời hạn dài cần tìm kiếm nguồn vốn tương xứng, hoặc thực hiện cơ chế lãi suất thả nổi.

- Sử dụng các công cụ tài chính mới để hạn chế rủi ro ngoại bảng, như sử dụng các nghiệp vụ kỳ hạn về lãi suất, nghiệp vụ kỳ hạn về tiền gửi, nghiệp vụ kỳ hạn về lãi suất tiền vay, thực hiện hợp đồng tương lai do không cân xứng tài sản nợ và tài sản có; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất, quyền lựa chọn lãi suất.

Giải pháp phòng ngừa rủi ro kỳ hạn

Sự không ăn khớp về kỳ hạn giữa tài sản Nợ và tài sản Có là phổ biến trong hệ thống Ngân hàng của các nền kinh tế chuyển đổi, đặc biệt đối với nền kinh tế tiền mặt và mức độ đô la hoá còn khá cao như Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước chuyển đổi cần lựa chọn cho mình một cơ chế tiền tệ thích hợp, đặc biệt là cơ chế điều hành tỷ giá. Ngoài ra cần phải tạo lòng tin của dân chúng với đồng bản tệ, có chính sách ngoại hối ổn định. Đối với từng ngân hàng, để hạn chế rủi ro kỳ hạn, đặc biệt đối với ngoại tệ cần:

- Xác định chính xác mức độ ổn định nguồn vốn ngắn hạn, để có thể sử dụng một tỷ lệ nhất định, an toàn cho đầu tư trung và dài hạn.

- Xây dựng chính sách tạo lòng tin đối với người gửi tiền, khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013

Giảm thiểu rủi ro đối với ngân hàng thương mại?

ThS. ĐƯỜNG THỊ THANH HẢI

(Tài chính) Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại (NHTM) có nhiều yếu tố tác động từ khách quan và chủ quan đến yếu tố bất khả kháng nên không tránh khỏi rủi ro. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho các NHTM Việt Nam.

Xem thêm

Video nổi bật