Giảm thuế VAT: Những tác động tích cực
Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần kích cầu tiêu dùng, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế sớm phục hồi.
Nhanh chóng thực hiện
Khảo sát thị trường cho thấy, các DN, nhà hàng, siêu thị… đã đồng loạt áp dụng mức thuế VAT mới xuống còn 8% từ đầu tháng 2/2022 và kéo dài đến hết năm 2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Tại nhiều hệ thống bán lẻ cũng bắt đầu triển khai chính sách giảm thuế VAT. Theo đại diện Lottemart Việt Nam, việc điều chỉnh giá mới được bộ phận vận hành của siêu thị thực hiện với 17 nhóm ngành hàng theo quy định.
Các hệ thống bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Retail đã bắt đầu áp dụng giá bán được cập nhật theo thuế VAT, giảm từ 10% xuống còn 8%. Với điều chỉnh mới, tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, sẽ có trên 20.000 sản phẩm như thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng… được áp dụng giá bán mới.
Nhiều hệ thống khách sạn, nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu áp dụng biểu thuế VAT mới từ đầu tháng 2/2022 và được khách hàng rất quan tâm. Bà Phan Thị Hồng Hạnh - Quản lý chuỗi nhà hàng bánh ngọt cà phê Thiên Ân - cho hay, DN đã chủ động triển khai chính sách giảm thuế ngay cho người tiêu dùng, thực hiện cài đặt lại hệ thống máy tính tiền dịch vụ về việc giảm 2% thuế cho khách hàng. Tuy không quá nhiều nhưng nói chung, người tiêu dùng đều phấn khởi với việc giảm thuế của nhà nước.
Theo chị Nguyễn Thị Minh Thu (TP. Thủ Đức), ngay trong dịp mua sắm sau Tết Nguyên đán vừa qua hóa đơn tính tiền của siêu thị Vinmart đã giảm 2%. Với tổng số tiền phải thanh toán hơn 4 triệu đồng, gia đình chị được giảm hơn 80.000 đồng theo mức thuế VAT mới. Dù số tiền được giảm không lớn nhưng cũng tạo thêm tâm lý kích cầu tiêu dùng từ khách hàng, nhất là với những người tiêu dùng lớn.
Hỗ trợ từ hai phía
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, thuế VAT giảm còn 8% sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, cả người mua và người bán. Với người tiêu dùng, trước sức ép về thu nhập, nếu được giảm 2% thuế VAT, họ sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu. Đây là một trong những chính sách giảm thuế có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất đến thị trường trong năm 2022. Với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Việc giảm thuế VAT cũng sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu, đó là: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ hai phía (sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng); kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ phía DN sản xuất cũng cho hay, với việc được giảm thuế VAT đầu vào, DN sản xuất có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí ngày càng tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện.
Dự kiến, chính sách này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước của năm nay khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội