Gian nan tăng vốn ngân hàng
(Tài chính) Năm 2014, kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng tiếp tục bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do thị trường chứng khoán khó khăn, chưa tìm được nhà đầu tư (NĐT) chiến lược. Song, trước yêu cầu tái cơ cấu, hoạch định lại chiến lược kinh doanh, phát triển của mình, các nhà băng phải "nghĩ kế" để tăng nhanh vốn điều lệ.
Một số cách tăng vốn điều lệ được các ngân hàng lựa chọn là: phát hành thêm cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, chào bán cho cổ đông hoặc NĐT chiến lược. Hay lựa chọn sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng (TCTD) khác (ngân hàng, công ty tài chính) thì lập tức tăng ngay được vốn điều lệ. Thế nhưng, việc tăng vốn ở một số ngân hàng thời gian qua lại cho thấy thực tế không như tính toán.
Vì sao cổ đông… bỏ cuộc?
Trường hợp tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) có lẽ là gian nan và chật vật nhất. Bởi Hội đồng quản trị ngân hàng đã triển khai kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng từ Đại hội cổ đông năm 2012.
Hình thức là phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu, tương ứng trị giá 1.000 tỷ đồng để tăng vốn. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đã chấp thuận hồ sơ, phương án tăng vốn này với hạn chót là tháng 12/2013. Nhưng quá thời hạn này, DongA Bank chỉ huy động được gần 90 tỷ đồng trong tổng số 700 tỷ đồng tiền cổ đông đăng ký và cam kết mua cổ phiếu.
Do đó, tháng 4 vừa qua, ngân hàng đã phải hủy bỏ đợt phát hành, trả lại tiền cho cổ đông. Hiện chưa rõ khi nào DongA Bank sẽ phát hành cổ phiếu trở lại, nhưng trong tình cảnh kinh tế khó khăn và ngành tài chính suy giảm, việc huy động đủ 1.000 tỷ đồng để tăng vốn là không dễ.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của DongA Bank thời gian qua bị sụt giảm mạnh, nợ xấu tăng cao, cổ tức thấp… thì cổ phiếu ngân hàng có lẽ cũng kém hấp dẫn. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế giảm chỉ còn 430 tỷ đồng do phải trích lập tới 50% cho dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu gần 4%, cổ tức chia ở mức 5%. Hơn nữa, cổ phiếu DongA Bank hiện giao dịch ở thị trường OTC ở mức 8.400 - 8.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, nên khó thanh khoản được.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) cũng khá trầy chật mới phát hành được cổ phiếu để tăng được vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng vào tháng 4 vừa qua.
Đợt tăng vốn này diễn ra khá chậm do vào đúng thời điểm thị trường chứng khoán suy giảm và ngân hàng vừa chạy đua tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng. Theo định hướng phát triển thành ngân hàng đầu tư, BacA Bank không chỉ cần tăng vốn điều lệ mà còn phải huy động lượng vốn lớn từ khách hàng. Do đó, mức lãi suất huy động của nhà băng này luôn ở mức cao ngất ngưởng.
Cổ đông lo sợ rủi ro
Mùa ĐHCĐ năm 2014 vừa qua đã "lên dây cót" cho một đợt tăng vốn mới ở hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ như Sacombank, MB, LienVietPostBank, BIDV, SHB, NamA bank…
Một số ngân hàng đã nhắm tới phương án tìm cổ đông, NĐT chiến lược để bán số lượng lớn cổ phiếu với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ mới. Đơn cử, Ngân hàng Quân đội (MB) dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn lên 15.500 tỷ đồng, trong đó, sẽ chào bán 390,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông, đối tác chiến lược với ưu đãi chiết khấu tối đa tới 25% giá trị cổ phiếu so với giá thị trường.
Theo ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB, ngân hàng đã có định hướng thu hút cổ đông chiến lược tốt bằng chính sách ưu đãi, nhưng thực tế lại khó thực hiện. Điều kiện chiết khấu này cũng chỉ dành cho đối tác chiến lược có thể đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Hiện, đã sang quý III/2014 nhưng MB vẫn chưa công bố kết quả đợt tăng vốn này.
Sau khi sáp nhập thành công, Ngân hàng SHB cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 4:1) và NĐT chiến lược… Dù không ít cổ đông bày tỏ nghi ngại, song lãnh đạo SHB lại tin tưởng sẽ tăng vốn thành công.
Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã dự phòng phương án tăng vốn 2.000 tỷ đồng bằng nguồn ủy thác không thành công là phát hành 200 triệu cổ phiếu. Số ngân hàng khác vẫn chưa có động tĩnh gì về triển khai kế hoạch tăng vốn trong năm 2014.
Một NĐT chứng khoán (đã và đang đầu tư vào hơn chục công ty) cho hay, do thị trường chứng khoán ảm đạm, giá sụt giảm mạnh, thanh khoản yếu… nên các NĐT rất thận trọng, lựa chọn cổ phiếu tốt để đầu tư.
"Với cổ phiếu ngành ngân hàng, NĐT cũng không mấy hào hứng vì lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu lớn, cổ tức thấp và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho cổ đông", NĐT này nói, dẫn chứng trường hợp cổ phiếu PVcombank (sáp nhập PVFC và Westernbank) hiện chỉ giao dịch trên OTC.
NĐT này chia sẻ: "Cổ đông nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng tốt nhưng "bỗng dưng" bị buộc sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng yếu kém, sẽ bị thiệt về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, giá trị cổ phiếu và thị giá...
Chưa kể, cổ phiếu ngân hàng mới tạm thời bị hủy niêm yết, chưa rõ thời điểm niêm yết trở lại thì thanh khoản càng khó khăn hơn". Nhất là trên thực tế, có ngân hàng sáp nhập chỉ để "chữa cháy" cho tình thế mất thanh khoản, nợ xấu quá lớn thì mua cổ phiếu sẽ chẳng khác nào ôm rủi ro.
Hơn thế, những khó khăn của ngân hàng ở thời điểm hiện nay như nợ xấu, xử lý tài sản khó khăn, tăng trưởng tín dụng lẹt đẹt… sẽ ảnh hướng lớn đến lợi nhuận, tỷ suất sinh lời/vốn điều lệ, cổ tức. Những điều này càng khiến NĐT lo sợ về tương lai của đồng vốn bỏ ra, dù quyết định mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại có thể là đúng đắn.