Giành lại thị phần ngành bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam vài năm gần đây chứng kiến rất nhiều sự thay đổi với các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) từ doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước khi DN nước ngoài đang “tháo chạy” khỏi thị trường.
Trong quá khứ, thị trường bán lẻ được đánh giá là cuộc chơi của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng giờ đây, các DN trong nước đang lật ngược thế cờ, mạnh tay “thôn tính” và giành lại thị phần.
Với quy mô thị trường bán lẻ được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), sẽ hé mở những cơ hội mới cho các DN nội nếu biết tận dụng cơ hội, đột phá chiếm lĩnh thị trường những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp ngoại rút dần
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn chục năm, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến làn sóng đầu tư của nhiều DN nước ngoài khi họ ồ ạt tràn vào thị trường nội địa thông qua M&A hoặc đầu tư mới. Các DN ngoại khi đó với thế mạnh về tài chính, quản trị đã khiến cho các DN ngành bán lẻ trong nước gặp vô số khó khăn để cạnh tranh thị phần.
Các chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ, thương mại nhận định, DN Việt Nam tuy có tiềm năng phát triển nhưng lại yếu kém trong quản trị, thiếu sự liên kết, cho nên không tạo được sức mạnh chung. Sau thời gian gồng mình chống đỡ, một số DN mạnh như Phú Thái, Nguyễn Kim đã phải bán rẻ cho DN nước ngoài trong cuộc chiến thị phần đầy khốc liệt. “Bức tranh” ngành bán lẻ Việt Nam chìm trong gam màu tối khi chúng ta để vuột khỏi hơn 50% thị phần vào tay các DN nước ngoài.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, cục diện đã đảo chiều, các DN nội “có máu mặt” như Vingroup, Masan, Bách Hóa Xanh,... đã nắm giữ thị trường. Các DN này tham gia ngày càng nhiều vào thị trường bán lẻ, từng bước trở thành những tập đoàn sản xuất và bán lẻ hàng đầu Việt Nam để mở rộng, chiếm lĩnh thị phần chi phối. Điều này khiến nhiều DN nước ngoài liên tiếp rút khỏi thị trường do không đủ khả năng cạnh tranh, dù trước đó từng đặt ra rất nhiều tham vọng. Mới đây nhất, ngày 1/7, siêu thị Lotte Mart Đống Đa (Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) sau 8 năm hoạt động đã thông báo ngừng hoạt động.
Đây là động thái ban đầu cho thấy DN ngoại này thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam sau 13 năm đặt chân vào thị trường dù trước đó, Lotte Mart từng công bố mục tiêu mở 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại con số 14. Các DN nội cũng âm thầm mở rộng, thâu tóm thông qua M&A, như trường hợp của siêu thị E-mart (thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc) sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam, vào cuối tháng 5 vừa qua đã tuyên bố dừng hoạt động tại Việt Nam và chuyển nhượng toàn bộ vốn đại siêu thị tại TP Hồ Chí Minh cho Tập đoàn ô-tô Trường Hải (Thaco) dù mục tiêu ban đầu là nhanh chóng mở điểm bán thứ 2.
Lotte Mart hay E-mart không phải là những trường hợp đầu tiên phải chấp nhận thu hẹp hoặc dừng “cuộc chơi”. Điểm lại thời gian qua, có thể thấy những thương hiệu sừng sỏ như Auchan, Big C (Pháp), Metro (Đức) hay Shop & Go (Singapore) đã phải lên tiếng thừa nhận “miếng bánh” thị phần bán lẻ Việt Nam dù đầy tiềm năng nhưng không dễ nuốt.
Đến nay, các DN Việt với lợi thế “sân nhà”, cùng sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng đang dần chiếm lĩnh, làm chủ “cuộc chơi”, liên tục mở rộng quy mô đến số lượng điểm bán. Trong mảng phân phối hiện đại, Vincom Retail (Vingroup) đang sở hữu hơn 80 trung tâm thương mại trên toàn quốc, hiện không có “đối thủ” trong phân khúc này.
Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ có tới 125 siêu thị lớn và gần 3.000 cửa hàng tiện lợi sau khi Vingroup chuyển nhượng cho Masan. Hệ thống Saigon Co.op cũng từng bước chuyển đổi mô hình chuyên sâu cung cấp thực phẩm tươi sống chế biến sẵn và đại siêu thị bên cạnh cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Co.op Smile,... với tham vọng đến năm 2025 đạt ít nhất 2.000 điểm bán, tăng gần gấp hai lần so hiện nay.
Nhiều xu hướng, cơ hội mới
Những DN trong nước giờ đây đã mạnh hơn, cơ hội thâu tóm DN trong và ngoài nước ngành bán lẻ ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh việc giành lại thị phần từ DN nước ngoài, “cuộc chiến” trên thị trường giữa các DN trong nước cũng diễn ra khá khốc liệt. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, DN tìm nhiều cách thức mới tiếp cận người tiêu dùng. Trong đó, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, dễ dàng mua sắm, thanh toán online (trực tuyến) đến giao hàng nhanh đang được rất nhiều đơn vị chú trọng.
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam TS. Đinh Thị Mỹ Loan, để giữ vững thị phần, điều cốt yếu là DN phải nắm bắt các xu hướng bán lẻ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu của thị trường sao cho phù hợp hành vi mua sắm hiện tại. Các DN một mặt vẫn phải duy trì tốt bán hàng trực tiếp để ổn định điểm cung, nhưng đồng thời cũng phải tìm kiếm cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Việc phát triển mô hình bán lẻ đa kênh nhằm tương tác với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi, giúp hành trình mua sắm không bị gián đoạn sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Phải tiếp tục ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh bán online, phù hợp thị hiếu mới cũng như phù hợp bối cảnh các địa phương đang giãn cách xã hội. Để làm được điều này, ngành bán lẻ cần “nâng cấp” tính chuyên nghiệp từ việc xử lý đơn hàng, phương thức giao hàng, thanh toán, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu người dân trong xu thế hiện tại.