Giao dịch bất động sản thành công vẫn tăng cao trong mùa dịch COVID-19

Theo Nguyễn Thương/reatimes.vn

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 nhưng tổng lượng giao dịch bất động sản thành công trên thị trường cả nước trong năm 2021 vẫn tăng cao.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Mức độ quan tâm đến bất động sản năm 2021 cao hơn cùng kỳ năm 2020

Tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch COVID-19 mà lượng qua tâm đến thị trường bất động sản cũng khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế, sau mỗi đợt dịch, thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng hơn, mức độ quan tâm có sự suy giảm nhưng vẫn đạt ở mức cao so với cùng kỳ trong năm 2020.

Cụ thể, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, tổng bình quân lượng giao dịch bất động sản thành công trong quý II/2021 đạt 29.949 giao dịch, tăng 18% so với quý trước và đạt khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, đạt khoảng 20%, TP.HCM có 3.002 giao dịch thành công, đạt khoảng 87% so với quý trước.

Theo khu vực, tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, tại miền Trung có 7.300 giao dịch thành công và tại miền Nam có 16.265 giao dịch thành công.

Đánh giá về điều này, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, về giá cả, đối với nhà ở, thị trường trong quý II vẫn phát triển ổn định. Giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu phân khúc nhà ở trung và cao cấp. Nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp vẫn tiếp tục hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán có giảm so với năm 2020.

Ngoài ra, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh với 44,8%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Qua đánh giá cho thấy, khả năng hấp thụ của thị trường quý II đang có nhiều tín hiệu tốt. Trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Lượng bất động sản tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của bệnh dịch như du lịch, nghỉ dưỡng.

Thị trường bất động sản vẫn có nhiều điểm sáng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội... 

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “Có thể khẳng định, trong ngắn hạn thị trường bất động sản chưa ổn định trước tác động của làn sóng COVID-19 mới; tuy nhiên, trong trung hạn triển vọng của thị trường là tích cực. Bởi, có nhiều căn cứ để tin rằng, Việt Nam đang và sẽ triển khai quyết liệt, thành công chiến lược tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Đây chính là điều kiện quan trọng bậc nhất để giúp nhiều hoạt động kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng dần hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lạị ngay từ nửa cuối năm 2021”.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, phân khúc bất động sản công nghiệp, đặc biệt là đầu tư bất động sản phục vụ hoạt động logicstics (hậu cần và kho bãi) sẽ ngày càng trở thành động lực lớn cho thị trường. 

Cụ thể, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam. Đặc biệt, vốn trong và ngoài nước sẽ đổ vào những khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ có cải thiện nhiều, nhờ chủ trương “xây tổ đón đại bàng” của Chính phủ cũng như các địa phương có tiềm năng thu hút FDI… Đơn cử, TP.HCM đã thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái (0,85 tỷ USD) và chiếm tới 80% tổng 1,43 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới của Thành phố trong nửa đầu năm 2021.

Ngoài ra, các dự án bất động sản nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu thực của người dân trung lưu cũng là một điểm sáng của thị trường bất động sản. Dòng tiền sẽ tập trung vào các sản phẩm bảo đảm chất lượng và tiện ích như: Đất thổ cư và nhà riêng có giấy tờ hợp pháp và địa điểm đắc địa; các dự án căn hộ chung cư có không gian làm việc đủ sáng và thoáng khí, thiết kế bền vững nhằm tiết kiệm năng lượng. Nhất là khi mô hình làm việc tại nhà đang kéo dài thì đây sẽ là xu hướng mới thu hút vốn đầu tư mạnh.