Giao dịch với bên liên quan, cổ đông đòi hỏi minh bạch
Để đảm bảo tính minh bạch, tính không vụ lợi, cổ đông lớn của một số công ty đã yêu cầu thành viên hội đồng quản trị không được biểu quyết trong các giao dịch với bên liên quan hoặc phải tiến hành đấu thầu rộng rãi, thay vì mua chỉ định từ bên liên quan.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn tại Coteccons đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường. Căn nguyên của mâu thuẫn đến từ giao dịch với các bên liên quan. Ðây vốn là vấn đề tồn tại ở nhiều công ty niêm yết, chứ không riêng Coteccons.
Chẳng hạn câu chuyện tại Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Tổng công ty này hiện nắm giữ trên 51% vốn điều lệ tại 8 công ty con chuyên cung cấp nước trên địa bàn TP.HCM như CTCP Cấp nước Bến Thành, CTCP Cấp nước Chợ Lớn, CTCP Cấp nước Gia Ðịnh… Các công ty con mua sỉ nước sạch, thuê mạng lưới cấp nước từ Sawacovà bán lại cho người dân.
Cổ đông lớn tại một số công ty con đã phản ứng với việc Sawaco đưa ra giá bán nước cho các công ty này và người đại diện phần vốn của Sawaco tại các công ty này lại bỏ phiếu thông qua giá bán nước.
Cho rằng đây là giao dịch với bên liên quan, các nhóm cổ đông này yêu cầu người đại diện vốn góp của Sawaco trong Hội đồng quản trị không được biểu quyết quyết định đối với các loại hợp đồng có liên quan nước sạch.
Cổ đông tại các công ty con của Sawaco viện dẫn Ðiều 162, Luật Doanh nghiệp quy định về hợp đồng, giao dịch với bên liên quan, trong đó có quy định trường hợp hợp đồng phải được hội đồng quản trị chấp thuận thì “thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết”.
Vẫn trong ngành nước, vài năm nay, một số cổ đông của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch nhiều lần phản ánh với Báo Ðầu tư Chứng khoán về tình trạng sụt giảm lợi nhuận của Công ty.
Năm 2018, NTW đạt hơn 162 tỷ đồng doanh thu, tăng so với con số 153 tỷ đồng năm 2017, nhưng do giá vốn hàng bán tăng nên lãi ròng chỉ còn 16 tỷ đồng, giảm 24% so với kết quả năm 2017.
Tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ năm 2018 chỉ đạt 16%, giảm mạnh so với mức 21% của năm 2017, cũng như các năm trước đây. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu 163 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 12,4 tỷ đồng.
Theo giải thích từ NTW, do chính sách không khai thác nước ngầm ở các khu vực đã sản xuất nước mặt nên Công ty đã phải ngừng khai thác và mua lại nước từ Công ty mẹ - CTCP Cấp nước Ðồng Nai (Dowaco) và CTCP Cấp nước Hồ Cầu Mới.
Việc mua lại nước từ Dowaco khiến cổ đông băn khoăn vì một mặt công ty mẹ bán nước, mặt khác người đại diện vốn tại công ty con lại biểu quyết thông qua các hợp đồng.
Có thể do đặc thù của sản phẩm thiết yếu nước sạch, các giao dịch giữa công ty mẹ - công ty con còn nhiều vấn đề cần bàn thêm.
Nhưng thực tế, ở các công ty cổ phần, tình trạng công ty mẹ bán hàng - công ty con mua hàng rất phổ biến. Ðiều này khiến cho hoạt động của doanh nghiệp kém tính minh bạch.
Tại CTCP Xi măng La Hiên, năm ngoái, một nhóm cổ đông đã yêu cầu Công ty cung cấp thông tin về các giao dịch với bên liên quan.
Theo nhóm cổ đông này, Công ty có hai đại lý bán hàng là các công ty liên quan tới Kế toán trưởng. Các đại lý này có thời điểm có công nợ vượt mức quy định của Công ty, trong khi Công ty vẫn phải vay nợ và trả lãi.
Chưa kể, các hợp đồng mua sắm trọng yếu của Công ty như hợp đồng mua bao bì vỏ xi măng được thực hiện chủ yếu dưới hình thức như chào giá cạnh tranh, chào giá rút gọn, chỉ có rất ít hợp đồng được đấu thầu rộng rãi.
Cổ đông của Xi măng La Hiên yêu cầu Công ty phải thực hiện đúng quy định Luật Ðấu thầu, dừng các hình thức chào giá cạnh tranh, chào giá rút gọn - vốn không được đề cập trong Luật Ðấu thầu.
Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sau khoảng thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội vì phòng chống dịch bệnh. Các nội dung chất vấn về giao dịch với bên liên quan rất cần các cổ đông lên tiếng chất vấn để thúc đẩy sự minh bạch trong bức tranh tài chính các công ty.