Covid-19 được kiểm soát đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường chứng khoán
Trước thông tin khả quan về tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trong hơn 50 ngày qua đã đưa nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại. Theo các nhà phân tích, đây sẽ là yếu tố tâm lý giúp cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam duy trì kỳ vọng hiện tại.
Theo báo cáo phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 và triển vọng trong tháng 6 của Chứng khoán Miraa Asset (Việt Nam), kết quả kinh doanh quý II/2020 của doanh nghiệp sẽ dần được công bố từ cuối tháng 6, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, trước dự báo nền kinh tế nhiều khả năng sẽ chạm đáy trong quý II và 6 tháng đầu năm dưới tác động tiêu cực của Covid-19 trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của Miraa Asset, trong tháng 5, tâm lý nhà đầu tư trong nước tiếp tục phấn khích khi Việt Nam đang làm phẳng được đường cong Covid-19. Suốt 50 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng. Theo đó, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Mirae Asset cho rằng, xung lực tăng của VN-Index được dự báo sẽ chậm lại với vùng mục tiêu 830 - 890 điểm, tương ứng với mức tăng/giảm trong biên độ 4%. Công ty đánh giá rủi ro điều chỉnh đang lớn lên nhưng không nhiều nhờ được hỗ trợ bởi dòng tiền trong nước mạnh mẽ và yếu tố nội tại tích cực hơn khi nền kinh tế nhiều khả năng đã chạm đáy trong tháng 4.
Bên cạnh đó, định hướng về nới lỏng chính sách tiền tệ của Chính phủ về điều hành cung tiền, tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Nhận định về hoạt động của khối ngoại, theo Mirae Asset các quĩ đóng vẫn đang tái cơ cấu danh mục sau khi VNM và nhóm Ngân hàng (VCB, VPB, CTG) được mua ròng trở lại cùng MSN.
Đồng quan điểm với Mirae Asset, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức - CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, điểm hấp dẫn nhất ở TTCK Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài là một số ngành/công ty có khả năng hồi phục rất nhanh, thậm chí vẫn có tăng trưởng so với trước dịch. Ngoài ra, triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 là khá rõ ràng.
Dòng vốn ngoại trong giai đoạn từ tháng 5 trở đi đã diễn biến tích cực hơn thời gian trước đó nhờ hai lý do: Một là, áp lực nhanh chóng giảm tỷ trọng đầu tư vào các thị trường mới nổi và nâng tỷ lệ tiền mặt để giảm thiểu rủi ro khi dịch Covid-19 xảy ra về cơ bản đã hoàn tất; Hai là, sau khi dịch bệnh có xu hướng được kiểm soát tốt, các quỹ ngoại đã có động thái mua trở lại và giảm tỷ trọng tiền mặt.
Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới do hầu hết áp lực bán của khối ngoại đã được thị trường hấp thụ trong thời gian qua.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), việc không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng trong nhiều ngày qua là yếu tố quan trọng đưa nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại. Đây cũng là yếu tố tâm lý giúp cho TTCK duy trì kỳ vọng hiện tại.
Tuy nhiên, mức phục hồi kinh tế sẽ còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các đối tác thương mại quan trọng. Thị trường sẽ sớm đối mặt những kiểm định thực tế về khả năng hồi phục nền kinh tế và doanh nghiệp sau những kỳ vọng ban đầu.
Theo đánh giá của BSC, thị trường sẽ sớm đối mặt với kiểm định thực tế của kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trong quý II. Dư địa tăng điểm thu hẹp trong khi các yếu tố rủi ro trong khu vực và thế giới ngày càng khó lường. Với bối cảnh hiện tại, BSC thận trọng với diễn biến ngắn hạn và dự báo VN-Index sẽ vận động từ 800 – 880 điểm trong tháng 6.
Trường hợp tích cực, BSC dự báo VN-Index giữ trên 835 điểm ở nhịp điều chỉnh và vận động phân hóa theo những chủ đề lớn liên quan đến đầu tư công và sản xuất hồi phục.