Giáo sư đại học Cornell Mỹ: "Bitcoin có thể không còn tồn tại lâu nữa"
Eswar Prasad, Giáo sư cấp cao về chính sách thương mại quốc tế tại Đại học Cornell, nói với CNBC vào đầu tháng này rằng: “Bitcoin có thể không tồn tại lâu nữa”. Giá bitcoin đã biến động mạnh trong vài năm qua và trong tháng trước, giảm từ khoảng 58.000 USD xuống dưới 48.000 USD/bitcoin.
Vào lúc 10:15 sáng thứ Sáu vừa rồi theo giờ Mỹ, giá bitcoin chỉ còn ở mức 45.637 USD/bitcoin.
Mặc dù trước đây chỉ có một vài loại tiền điện tử, nhưng ngày nay đã có hàng trăm loại và một số trong số chúng hữu ích hơn và thân thiện với môi trường hơn so với bitcoin.
Blockchain là công nghệ cơ bản đằng sau hầu hết các loại tiền điện tử. Về cơ bản, nó được coi như là một sổ cái kỹ thuật số của các giao dịch tiền ảo được phân phối trên mạng máy tính toàn cầu.
Giáo sư Prasad, tác giả của cuốn sách "Tương lai của tiền: Cách mạng kỹ thuật số đang biến đổi tiền tệ và tài chính" cho biết: "Việc sử dụng công nghệ blockchain của Bitcoin không hiệu quả lắm".
Ông giải thích: "Tiền điện tử sử dụng cơ chế xác thực cho các giao dịch phá hủy môi trường". Trên thực tế, lượng khí thải carbon do bitcoin tạo ra lớn hơn toàn bộ lượng khí thải ở New Zealand.
Giáo sư Prasad cho biết một số loại tiền điện tử mới hơn sử dụng công nghệ blockchain hiệu quả hơn nhiều so với bitcoin.
Ông tin rằng công nghệ blockchain sẽ "biến đổi cơ bản" theo cách chúng ta thực hiện các giao dịch hàng ngày, như mua nhà hoặc mua xe hơi.
“Do bitcoin không hoạt động tốt như một phương tiện trao đổi, tôi không nghĩ rằng nó sẽ có bất kỳ giá trị cơ bản nào ngoài giá trị được tạo ra bởi niềm tin của nhà đầu tư hiện nay", giáo sư Prasad nói.
Nói một cách tổng thể hơn, "tiền điện tử đã 'thắp lửa' cho các ngân hàng trung ương suy nghĩ về việc phát hành các phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ của chính họ", Giáo sư Prasad nói.
Ông nói thêm rằng các loại tiền kỹ thuật số như vậy có thể có lợi vì chúng có thể cung cấp tùy chọn thanh toán chi phí thấp mà mọi người đều có thể tiếp cận, do đó tăng khả năng tài chính toàn diện, cũng như khả năng ổn định tài chính.
Giáo sư Prasad nói: "Dù bạn có thể không thích bitcoin, nó đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp".