Giới đầu tư chốt lãi

Theo T.Lê/tinnhanhchungkhoan.vn

Chứng khoán toàn cầu điều chỉnh trong phiên thứ Năm (4/6) trước áp lực chốt lãi của nhà đầu tư trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố.

Ảnh AFP
Ảnh AFP

Sau 4 phiên tăng liên tiếp, các chỉ số chính của phố Wall đã chịu áp lực lớn trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư chốt lời trước báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Các chỉ số chính giằng co và chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng đà giảm được hạn chế vào cuối phiên, trong đó Dow Jones thậm chí còn may mắn có được phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp.

Phố Wall hồi lại cuối phiên sau báo cáo vừa công bố cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống dưới 2 triệu kể từ giữa tháng 3.

Báo cáo việc làm được mong đợi vào thứ Sáu từ Bộ Lao động dự kiến sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên mức lịch sử 19,7%.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình bạo lực dường như đã giảm bớt sau khi các công tố viên đưa ra các cáo buộc mới với các cảnh sát liên quan đến cái chết của George Floyd.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones tăng 11,93 điểm (+0,05%), lên 26.281,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,52 điểm (-0,34%), xuống 3.112,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,10 điểm (-0,69%), xuống 9.615,81 điểm.

Trong khi đó, áp lực chốt lời cùng những cảnh báo của ECB khiến chứng khoán châu Âu quay đầu điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp.

Cụ thể, ngày 4/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định, nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch Covid-29.

Bà Lagarde cho rằng những dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi sau sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa vẫn còn mờ nhạt.

Theo người đứng đầu ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh 8,7% trong năm 2020.

Phát biểu của bà Lagarde khiến chứng khoán khu vực chủ yếu dao động trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đà giảm cũng không qua mạnh khi ECB đã mở rộng chương trình mua trái phiếu Euro của mình thêm 600 tỷ Euro và cho biết chương trình này sẽ kéo dài vào tháng 6 năm 2021, qua đó kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng.

Số liệu kinh tế mới công bố cho thấy, doanh số bán lẻ khu vực đồng Euro trong tháng 4 được báo cáo giảm 11,7% so với tháng 3 và giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,97 điểm (-0,64%), xuống 6.341,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 56,80 điểm (-0,45%), xuống 12.430,56 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 10,40 điểm (-0,21%), xuống 5.011,98 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoài chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh giảm sau thông tin Mỹ cấm các hãng máy bay của Trung Quốc bay tới Mỹ từ giữa tháng 6 này, các thị trường còn lại đều duy trì đà tăng với kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế, nhưng mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn so với các phiên trước.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 81,98 điểm (+0,36%), lên 22.695,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,12 điểm (-0,14%), xuống 2.919,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 40,68 điểm (+0,17%), lên 24.366,30 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 4,18 điểm (+0,19%), lên 2.151,18 điểm.     

Trước những cảnh báo suy thoái kinh tế chưa từng có, cùng với lực cầu bắt đáy và đồng USD hạ nhiệt đã giúp giá vàng bật tăng trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 4/6, giá vàng giao ngay tăng 12,1 USD (+0,71%), lên 1.712,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 21,1 USD (+1,21%), lên 1.718,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm với kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục nhanh sau các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,12 USD (+0,32%), lên 37,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,20 USD (+0,50%), lên 39,99 USD/thùng.