Trung tâm tài chính quốc tế:
Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển và phân bổ chiến lược của dòng vốn toàn cầu
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, ThS. Nguyễn Lê Đình Quý – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam chuyển từ vai trò tiếp nhận dòng vốn bị động sang trở thành điểm trung chuyển và phân bổ chiến lược của dòng vốn toàn cầu.
Phóng viên: Theo ông, chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là bước chuyển chiến lược, thể hiện khát vọng vươn lên nắm giữ vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh các trung tâm tài chính quốc tế đang đóng vai trò "mạng lưới quyền lực mềm" của các quốc gia – nơi phân bổ dòng vốn, công nghệ, dữ liệu và ảnh hưởng – thì việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam chuyển từ vai trò tiếp nhận dòng vốn bị động sang trở thành điểm trung chuyển và phân bổ chiến lược của dòng vốn toàn cầu.

Trên phương diện chính sách, đây là quyết định tận dụng công nghệ số, tài chính xanh và khung chính sách mở để bù đắp cho việc chưa phát triển lịch sử về tài chính toàn cầu như các trung tâm lâu đời (New York, London, Hong Kong). Đồng thời, nó phản ánh một ý chí mạnh mẽ, khi Việt Nam không chỉ tăng trưởng GDP mà còn xây dựng năng lực cạnh tranh cấu trúc về tài chính, công nghệ và quản trị.
Ngoài ra, trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn toàn cầu hậu dại dịch COVID-19, cùng với sự gia tăng xung đột địa chính trị (Nga – Ukraine, Mỹ – Trung), các tập đoàn và định chế tài chính lớn đang tái phân bổ vốn để tìm các trung tâm trung lập, ổn định, chi phí vận hành thấp nhưng có năng lực pháp lý và công nghệ đủ mạnh. Việt Nam, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, có cơ hội vươn lên nếu tận dụng được thời điểm “cửa sổ vàng” này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách đột phá mà Chính phủ đề xuất tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Tôi cho rằng, 12 nhóm chính sách đột phá mà Chính phủ đề xuất tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là một nền tảng hợp lý, phản ánh tư duy cải cách thể chế đồng bộ và có tính hệ thống – điều kiện cần để xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại.
Đặc biệt, nhóm chính sách liên quan đến hành lang pháp lý đặc thù, thử nghiệm cơ chế mới có kiểm soát (sandbox), và thu hút nguồn lực quốc tế cho thấy Chính phủ không chỉ tiếp cận vấn đề dưới góc độ đầu tư tài chính thuần túy, mà còn coi trung tâm tài chính là một động lực cải cách thể chế và môi trường kinh doanh.
Thực tế từ các trung tâm tài chính thành công trên thế giới như Dubai hay Singapore cho thấy, yếu tố phân quyền quản lý cao, khung pháp lý riêng biệt và khả năng điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh với biến động toàn cầu chính là chìa khóa then chốt. Chúng ta đang đi đúng hướng khi nhận diện rõ những yếu tố này và đưa vào nội hàm chính sách. Vấn đề quan trọng lúc này là cách thức hiện thực hóa những định hướng đó.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là năng lực thực thi và điều phối liên ngành. Các chính sách cần được cụ thể hóa thành kế hoạch hành động khả thi, kèm theo cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ và khả năng điều chỉnh linh hoạt khi có biến động thị trường. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để mô hình đa điểm TP. Hồ Chí Minh – TP. Đà Nẵng vận hành hiệu quả
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc Chính phủ thống nhất trình lại Bộ Chính trị xác định thành lập một trung tâm tài chính quốc tế và đặt ở hai nơi là TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng như hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Tôi cho rằng đây là một quyết định hợp lý và có tầm nhìn dài hạn. Việc xác định chỉ thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng triển khai tại hai địa điểm – TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng – thể hiện sự linh hoạt trong tư duy quy hoạch và phù hợp với bối cảnh phát triển vùng của Việt Nam hiện nay. Đây là cách tiếp cận giúp phát huy tối đa lợi thế đặc thù của từng địa phương, đồng thời bảo đảm hiệu quả đầu tư và điều phối tổng thể.
TP. Hồ Chí Minh đã hội tụ đủ các yếu tố nền tảng như hệ thống ngân hàng phát triển, thị trường vốn sôi động, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện và lực lượng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Thành phố này có thể đảm nhận các chức năng cốt lõi như phát triển thị trường vốn, dịch vụ tài chính quốc tế, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.
Trong khi đó, TP. Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý trung tâm, chi phí cạnh tranh, và môi trường sống hấp dẫn – phù hợp để triển khai các phân khu chức năng như tài chính số, tài chính xanh, dữ liệu tài chính và các hoạt động thử nghiệm chính sách. Việc bố trí các chức năng phụ trợ tại TP. Đà Nẵng không chỉ giảm tải cho TP. Hồ Chí Minh mà còn góp phần thúc đẩy phát triển cân bằng giữa các vùng.
Điều kiện then chốt để mô hình này vận hành hiệu quả là cần phân định chức năng và một cơ chế điều phối bảo đảm sự liên thông giữa các địa điểm.
Phóng viên: Để bảo đảm phát triển trung tâm tài chính quốc tế thành công, theo ông, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Tôi cho rằng, để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế thực sự hiệu quả, điều tiên quyết là phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn, nhất quán và có chiều sâu. Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế không thể đạt được trong một nhiệm kỳ hay vài năm ngắn ngủi, mà đòi hỏi cam kết bền bỉ từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương, địa phương và khu vực tư nhân – từ quy hoạch, thu hút đầu tư cho tới tổ chức vận hành.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý và thể chế cần đủ độ mở, minh bạch và ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế. Các cơ chế thí điểm như sandbox trong lĩnh vực fintech, blockchain hay cải cách thủ tục hành chính và thuế sẽ giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Một trung tâm tài chính không thể tách rời nền tảng hạ tầng hiện đại và môi trường sống chất lượng. Điều này bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật – công nghệ thông tin, giao thông – lẫn các yếu tố xã hội như giáo dục, y tế, không gian sống hấp dẫn để thu hút và giữ chân chuyên gia toàn cầu.
Ngoài ra, trung tâm tài chính quốc tế cũng cần phát triển như một hệ sinh thái tài chính – công nghệ năng động, tích hợp đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới học thuật. Điều này sẽ giúp trung tâm tài chính không chỉ là nơi diễn ra các giao dịch truyền thống, mà còn là điểm đến của dòng vốn đầu tư mạo hiểm, ngân hàng số và công nghệ tài chính hiện đại.
Cuối cùng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia và truyền thông quốc tế cần được xem là ưu tiên. Một trung tâm tài chính thành công phải là hình ảnh đại diện cho năng lực điều hành hiệu quả, sự ổn định thể chế và khả năng hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!