Gmobile: Nghĩ mới, làm mới, kết quả chưa mới
(Tài chính) Thực tế cạnh tranh buộc thương hiệu Gmobile đang phải tìm hướng đi mới để tồn tại và phát triển, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn.
Một năm sau khi Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (GTel Mobile) mua lại 49% cổ phần (với giá 45 triệu USD) của Tập đoàn VimpelCom (Nga), trở thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thương hiệu mới Gmobile (thay thế cho Beeline) của GTel Mobile vẫn chưa thể “vươn vai đứng dậy”, dù sở hữu tổng tài sản cố định hơn 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là mạng lưới hạ tầng.
Cũng cần nói thêm rằng, Gmobile đã chủ động tìm đủ mọi “cửa” để phát triển, trong đó, thoả thuận roaming với Vinaphone được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình hình kinh doanh của Gmobile.
Theo thoả thuận, từ tháng 3/2013, nếu thuê bao của Gmobile di chuyển vào các vùng Gmobile không có sóng, thì sẽ tự động chuyển sang sử dụng sóng của Vinaphone.
Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc GTel Mobile từng hồ hởi đánh giá rằng, việc hợp tác chia sẻ hạ tầng viễn thông mạng di động với VinaPhone “là một trong những bước phát triển quan trọng của GTel Mobile trong năm 2013”.
Những tưởng với việc roaming với VinaPhone, Gmobile sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển dịch vụ, tăng trưởng thuê bao, nguồn thu…, nhưng trên thực tế, kết quả lại chưa như kỳ vọng.
Theo thoả thuận, khi thuê bao Gmobile ở trong vùng sử dụng sóng VinaPhone, mỗi phút thuê bao gọi đi hoặc nhận cuộc gọi, GTel Mobile phải trả cho VinaPhone 450 đồng. Như vậy, nếu hai thuê bao Gmobile đều trong vùng dùng sóng Vinaphone, liên lạc với nhau, thì GTel Mobile phải trả cho VinaPhone cước chuyển vùng tương đương 900 đồng/phút, cho dù đây vẫn là liên lạc nội mạng giữa hai thuê bao Gmobile.
Trên thị trường, cho dù giá niêm yết nội mạng là khoảng 1.200 đồng/phút, song thường nhà mạng đều thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá, nên giá thực tế bình quân chỉ khoảng 200 đồng/phút. Giá thực tế trên thị trường là 200 đồng/phút, song giá roaming của GTel Mobile với Vinaphone cao tới 450 đồng, nên càng kinh doanh, Gmobile càng… lỗ.
Bên cạnh việc hợp tác với Vinaphone, Gmobile cũng tích cực mở rộng thị trường, mở thêm nhiều đại lý kinh doanh trên khắp cả nước, song kết quả phát triển thuê bao của Gmobile không được khả quan.
“Việc phát triển thuê bao rất khó, hiện số thuê bao của Gmobile vẫn chỉ dừng lại ở con số trên 3 triệu thuê bao”, ông Dư thừa nhận.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh của Gmobile không cao, không thể mở rộng đầu tư, mà phải hợp tác với nhà mạng khác là do nghèo nàn về tài nguyên số, băng tần hạn chế, mạng lưới, hạ tầng ít.
“Gmobile hiện mới chỉ được cấp băng tần 1.800 MHz, trong khi đó các mạng lớn đều có đủ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz và băng tần 3G. Đây là điểm cực kỳ bất lợi của Gmobile so với các nhà mạng khác. Để tự đứng vững, về lâu dài, Gmobile cần phải có băng tần, tài nguyên tần số, mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Dư nói và cho biết, GTel Mobile vẫn phải tiếp tục báo cáo Chính phủ và các cấp thẩm quyền đề nghị phân chia lại băng tần hợp lý.
Trước những tin đồn về việc GTel Mobile có thể sẽ sáp nhập với Vinaphone hoặc MobiFone, ông Dư khẳng định, các nhà mạng này đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nên việc sáp nhập hay không là vấn đề nằm ngoài phạm vi quyết định của doanh nghiệp.
Lãnh đạo chủ quản của VNPT cũng từ chối bình luận về thông tin sáp nhập Vinaphone với GTel Mobile.
Cách đây hai năm, Viettel đã tiếp nhận EVN Telecom theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vào thời điểm đó, EVN Telecom là con tàu đang đắm, là sản phẩm đầu tư ngoài ngành thất bại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau khi sáp nhập thành công với Viettel, thương hiệu EVN Telecom đã biến mất.
Hiện tại, GTel Mobile cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng lại ở hoàn cảnh và vị thế khác xa so với EVN Telecom trước đây. Vấn đề là ở chỗ, ngay cả khi GTel mobile sẵn sàng cho cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) thứ 2, thì việc quyết định cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không phải GTel Mobile… muốn là được.