Nền tảng đổi mới cơ chế tài chính

Để phù hợp với lộ trình đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, NSNN phân bổ cho GDĐH đã có bước chuyển biến cơ bản theo hướng ưu tiên phân bổ cho mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất, một số trường đại học trọng điểm và các trường ở vùng kinh tế - xã hội còn kém phát triển. Bên cạnh đó, khuyến khích các trường đại học nâng cao quyền tự chủ tài chính, khai thác các nguồn thu hợp pháp để từng bước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, tăng cường chất lượng đào tạo, nâng cao đời sống người lao động.

Số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành trung ương tính đến ngày 30/12/2011 cho thấy, đã có 178 cơ sở GDĐH thực hiện Nghị định số 43/2006/ NĐ-CP với tổng số kinh phí NSNN cấp là 3.603 tỷ đồng, chiếm 56% chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp là 2.777 tỷ đồng, chiếm 44% chi thường xuyên ở các đơn vị này. Trong đó, có 6 đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên (chiếm 3%); 140 đơn vị bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 79%); 32 đơn vị do NSNN đảm bảo (chiếm 18%).

Qua thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng chủ động tổ chức hoạt động chuyên môn, gắn việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính với chất lượng và hiệu quả hoạt động. Môi trường và cảnh quan sư phạm ở nhiều trường được cải thiện đáng kể, góp phần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Thu nhập của cán bộ, giảng viên, từng bước được cải thiện. Theo báo cáo, bình quân thu nhập tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập khoảng từ 0,5 đến 2 lần tiền lương cơ bản.

Băn khoăn tự chủ

Hiện nay, việc hỗ trợ từ NSNN đối với các cơ sở GDĐH công lập vẫn mang tính bình quân theo khả năng của NSNN, nên chưa tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường đại học công lập và chưa giải quyết được tối đa tình trạng khó khăn của một số trường đại học đào tạo các chuyên ngành cơ bản, khó tuyển sinh trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, nội dung phân bổ NSNN chủ yếu dựa vào các yếu tố "đầu vào" nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực NSNN. Chế độ học phí đối với các trường đại học công lập chậm được đổi mới, điều này đã làm hạn chế quyền tự chủ của các trường trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. Đến tháng 5/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về chế độ thu học phí mới. Theo đó, mức trần học phí mới đã được điều chỉnh tăng lên, tuy nhiên, theo đánh giá của một số trường thì mức trần học phí vẫn ở mức thấp, chưa phản ánh đầy đủ chi phí đào tạo thực tế nên khó tránh tình trạng các trường ban hành mức thu học phí vuợt trần quy định.

Hơn nữa, việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo lại được áp dụng đồng đều cho tất cả các học sinh nhập học, dẫn đến một thực tế là chính sách học phí đang trợ cấp ngược cho người giàu. Kết quả nghiên cứu về an sinh xã hội của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam năm 2007 cũng cho thấy, có đến 35% NSNN trợ cấp cho giáo dục đã chảy vào con em của lớp 20% dân cư giàu nhất, nhưng chỉ có 15% chảy vào con em của lớp 20% dân cư nghèo nhất (!).

Bên cạnh đó, do chưa có các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, vì vậy quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa gắn với hiệu quả và chất lượng công việc để khuyến khích người lao động. Mức thu nhập của người lao động ở các trường đại học có nguồn thu sự nghiệp lớn cao hơn rất nhiều lần so với các trường không có nguồn thu, từ đó tạo ra sự bất hợp lý về thu nhập giữa những người lao động trong ngành Giáo dục...

Giải pháp trọng tâm

Từ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo nguyên tắc:

Thứ nhất, các trường đại học khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là được giao quyền tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế và mức thu học phí trên cơ sở khung giá dịch vụ (học phí) do Nhà nước quy định.

Thứ hai, đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, trường được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ; Từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra; Được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc; Đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính.

Thứ ba, đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp đào tạo theo hướng từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp, phù hợp với thị trường và khả năng của NSNN; Thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ.

Để phát huy được việc sử dụng NSNN như một công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế thị trường, việc tái cơ cấu lại việc phân bổ nguồn lực NSNN, tập trung cho các ngành nghề đào tạo Nhà nước cần giảm bớt hoặc không hỗ trợ đối với ngành học xã hội sẵn sàng trả chi phí để tập trung hỗ trợ cho đối tượng học sinh chính sách, học sinh nghèo là hết sức cần thiết. Cụ thể:

Một là, đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa: Thay vì phân bổ kinh phí NSNN bình quân đối với tất cả các ngành nghề như hiện nay, Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng (tính đủ chi phí đào tạo) đối với một số nhóm ngành nghề thuộc nhóm này nhưng Nhà nước có nhu cầu sử dụng cao và gắn liền với cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí.

Hai là, đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao và có khả năng dư thừa về quy mô đào tạo như tài chính, ngân hàng... người học sẵn sàng đóng đủ chi phí học tập: Từng bước giảm dần sự hỗ trợ của NSNN so với mặt bằng chung và tiến tới không hỗ trợ chi phí thường xuyên từ NSNN. Đồng thời, điều chỉnh mức thu học phí để bù đắp đủ chi phí đào tạo thường xuyên, đa dạng.

Như vậy, sẽ phần nào khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với quy hoạch; Khắc phục được việc NSNN hỗ trợ bình quân, không gắn với nhu cầu sử dụng, với chất lượng. Theo đó, sẽ cơ cấu lại nguồn NSNN hỗ trợ cho đào tạo, gắn việc sử dụng NSNN với số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo xã hội cần thiết; Giảm bớt số lượng sinh viên được hỗ trợ kinh phí đào tạo từ NSNN đối với một số chuyên ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao; Đồng thời, tăng mức hỗ trợ từ NSNN đối với những sinh viên sư phạm, sinh viên học các ngành khoa học cơ bản...

Việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền miễn, giảm học phí cho học sinh diện đối tượng chính sách để đóng học phí cho cơ sở đào tạo sẽ tạo điều kiện cho học sinh được bình đẳng như các học sinh khác khi theo học. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách này sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của các cơ sở GDĐH và dạy nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH có đủ nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa chất lượng đào tạo với việc thu hút học sinh và nguồn thu của nhà trường; Khuyến khích các trường cạnh tranh lành mạnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh bằng việc nâng cao chất lượng với mức học phí hợp lý.

Gỡ “nút thắt” về tài chính giáo dục đại học

ThS.NGUYỄN THÙY LINH

(Tài chính) Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) còn eo hẹp, nguồn lực đầu tư dành cho phát triển giáo dục đại học (GDDH) có hạn và khó có khả năng tăng đột biến. Chính vì vậy, yêu cầu đặt cho ngành Giáo dục, đặc biệt là hệ thống GDĐH trong thời gian tới, phải có giải pháp cơ cấu lại nguồn lực, kết hợp với huy động nguồn lực tài chính từ xã hội với mục tiêu công bằng và hiệu quả theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Xem thêm

Video nổi bật