Gỡ vòng xoáy lạm phát – suy giảm cần giải pháp căn cơ
Dù là tháng Tết, song chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1/2013. CPI trong tháng Tết có mức tăng thấp được cho là do nguồn cung hàng thiết yếu dồi dào và nền kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu...

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết không gây lo ngại vì chỉ cao hơn mức tăng 1,17% trong tháng 2.2009. Trong khi đó, thấp hơn mức tăng 1,37% của tháng 2.2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng từ 2 - 3,56% của các tháng 2 kể từ năm 2002 trở lại đây. Lý giải về việc chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết không tăng cao như thường lệ, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho rằng, dù là tháng Tết Nguyên đán và có số ngày nghỉ Tết kéo dài hơn, nhưng nhờ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dồi dào, phong phú nên không gây ra sự tăng giá đột biến như thông lệ nhiều năm trước. Đặc biệt, việc triển khai quyết liệt việc bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng góp phần giúp kiềm chế tăng giá đột biến nhiều mặt hàng có sức tiêu dùng mạnh trong dịp Tết.
Một nguyên nhân khác khiến CPI không tăng cao trong tháng Tết Nguyên đán được các chuyên gia nhấn mạnh là do kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, tiền thưởng không dồi dào. Trong khi đó, kinh tế 2013 vẫn chưa có những tín hiệu tốt nên đa số người làm công ăn lương đều có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn, chỉ chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu, giảm chi những hàng hóa, dịch vụ xa xỉ. Xu hướng này góp phần khiến quy luật tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết như các năm trước đây không còn lặp lại. Dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng theo đề nghị trước đó của các doanh nghiệp đầu mối, thì CPI sẽ tăng ở mức cao hơn trong những tháng tới. Bởi theo tính toán, nếu giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít thì CPI tháng 3 tới sẽ có thể tăng thêm hơn 0,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao trong tháng Tết chủ yếu do kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2012 của nhiều đơn vị không khả quan, thu nhập của người lao động giảm. Khi thu nhập giảm thì người tiêu dùng sẽ tiết kiệm chi tiêu, khiến giá hàng hóa, dịch vụ khó có thể tăng cao. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ đến tháng Tết mà việc chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 còn thấp hơn so với chỉ tiêu QH đề ra cũng có nguyên nhân từ kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm. Xem xét mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế từ năm 2000 đến nay cũng có thể thấy một đặc điểm chung là khi lạm phát tăng cao thì duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khi sản xuất suy giảm, tăng trưởng thấp thì CPI và tỷ giá sẽ ổn định. Vì thế, lạm phát giảm trong năm 2012 và trong những tháng đầu năm 2013 này chưa thể giúp chúng ta yên tâm. Sau khi tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát thì nước ta đang đứng trước một bài toán khó khác là khôi phục tăng trưởng để thoát khỏi suy giảm.
Vậy căn nguyên của tình trạng kiềm chế lạm phát rồi phải lo thoát khỏi suy giảm là ở đâu? Lạm phát là sự mất giá của thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Mà sức mạnh của đồng tiền ở một quốc gia được tạo dựng bằng sức mạnh của nền kinh tế. Trong đó, nhân tố quan trọng tạo ra sức mạnh của một nền kinh tế là hiệu quả sản xuất, đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian qua, năng suất nhân tố tổng hợp của nền kinh tế nước ta giảm mạnh, hệ số ICOR tăng cao. Đóng góp của TFP (chỉ tiêu năng suất cho tổng các nhân tố) vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000 – 2005 khoảng 22%, thì đến giai đoạn 2006 – 2011 giảm còn dưới 10%. Hệ số ICOR tăng từ 5 trong giai đoạn 2000 – 2005 lên mức 7 trong giai đoạn 2006 – 2011.
Mặt khác, nguồn cung từ sản xuất trong nước hiện giảm khoảng 6 điểm phần trăm so với giai đoạn trước. Điều này có nghĩa là nguồn cung cho tiêu dùng ở nước ta đang phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Như vậy, nếu chỉ tập trung giải quyết lạm phát, rồi sau đó giải quyết suy giảm thì sẽ không thể chấm dứt vòng xoáy lạm phát – suy giảm. Nói cách khác, duy trì cách làm tập trung giải quyết lạm phát rồi lại giải quyết suy giảm kinh tế sẽ chỉ giúp hạ sốt, chứ chưa giải quyết được nguyên nhân của căn bệnh.
Chu kỳ của vòng xoáy lạm phát – suy giảm đang ngày càng thu hẹp, dư địa chính sách cũng dần ít hơn. Vì thế, việc ban hành chính sách để kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô phải căn cơ hơn. Bên cạnh điều chỉnh chính sách tiền tệ thì cần nhanh chóng thực hiện những giải pháp cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bởi nếu sản xuất trong nước hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, thì khi nhu cầu này thay đổi mới có sức lan tỏa đến sản xuất, thậm chí là có thể tạo bước ngoặt về tăng trưởng. Sản xuất có vững thì khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao mới không tăng giá đột biến.