Gói 1.000 tỷ USD của Mỹ tác động ra sao đến thị trường tài chính?

Theo Nguyễn Long/enternews.vn

Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, bên cạnh đó là thông tin chỉ số CPI tháng 7 của Mỹ, là các yếu tố chính tác động lên thị trường tài chính những ngày gần đây.

Kế hoạch hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.
Kế hoạch hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.

Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống, đánh dấu một chiến thắng to lớn cho chương trình kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Đây cũng là một bước đột phá đã bị trì hoãn trong nhiều năm qua, mặc dù cả hai đảng đều cho rằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu.

Kế hoạch hạ tầng mới này bao gồm việc làm mới các tuyến đường bộ, đường sắt, phương tiện công cộng, hệ thống nước, lưới điện và băng thông rộng của Mỹ. Quốc hội trong nhiều năm đã không đồng ý về một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn diện, mà những người ủng hộ ở cả hai đảng cho rằng kế hoạch mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tạo thêm việc làm cho người dân.

Bên cạnh thông tin về  kế hoạch hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được thông qua thì báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 cũng đã tác động lớn lên các thị trường chứng khoán Mỹ, giá vàng và đồng bạc xanh. CPI của Mỹ trong tháng 7 theo báo cáo đã tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI đã tăng 5,4%, đúng với kỳ vọng của thị trường.

Gói 1.000 tỷ nhiều hạng mục, trong đó còn bao gồm 110 tỷ USD chi tiêu mới cho cầu đường, 73 tỷ USD cho nâng cấp mạng lưới điện, 66 tỷ USD cho đường sắt và Amtrak, và 65 tỷ USD cho mở rộng băng thông...

Về chứng khoán, chỉ số Dow Jones và S&P500 xác lập mức đỉnh kỷ lục mới sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 07; nhưng các nhà đầu tư đang tập trung vào tỷ lệ lạm phát cốt lõi (tức loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) cho thấy tỷ lệ lạm phát vẫn đang duy trì ổn định và điều này có thể củng cố nhận định của Fed về mức tăng nóng tạm thời của biến số này trong thời gian qua. Điều này cũng khiến họ yên tâm hơn khi khả năng Fed sẽ không rút gói nới lỏng định lượng sớm.

Gói đầu tư công 1.000 tỷ USD đang là cú hích dòng tiền dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu giá trị và có chu kỳ hồi phục, trong khi đó nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng tiếp tục điều chỉnh phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Dow Jones là chỉ số tăng mạnh nhất nhờ vào đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngành năng lượng và đồ thị giá của chỉ số này có thể sẽ mở rộng đà tăng ngắn hạn về mức kháng cự kế tiếp là 36.100 điểm.

Về tỷ giá USD, trên thị trường quốc tế, thông tin về CPI tháng 7 không hỗ trợ nhiều cho đồng bạc xanh. Cụ thể, giá USD giảm sau khi tăng đạt mức khá cao trong gần 5 tháng qua, chỉ số USD-Index giảm 0,3 điểm, xuống còn 92,91 điểm. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự lạc quan về kế hoạch ngân sách 3.500 tỉ USD. Đề xuất chi tiêu 3.500 tỉ USD của đảng Dân chủ bao gồm các khoản tài trợ cho các biện pháp khí hậu, đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng, tình trạng cư trú cho hàng triệu lao động nhập cư và hai năm trả học phí tại các trường đại học công lập.

Kế hoạch này được thông qua với tỷ lệ phiếu là 50-49, bị tất cả các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối, song biện pháp này lại nhận được sự ủng hộ của 48 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và 2 thượng nghị sĩ độc lập. Cùng với gói cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ, nếu kế hoạch ngân sách của Mỹ được xem xét tiếp và thông qua, thì dù vậy vẫn sẽ tác động nhất định đến đồng bạc xanh bởi áp lực chi tiêu tài khóa khổng lồ đè nặng. Đồng đô la Mỹ có thể tiếp tục nối dài chuỗi ngày trượt giá trong nay mai.

Về giá vàng, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng trở lại; trên sàn Kitco giá vàng đang được niêm yết ngày giao dịch 12/8 là 1.750,3 USD/ounce, tăng 6,3 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch liền trước.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 22.910 VND, giá vàng thế giới tương đương 48,31 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,59 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.

Mặc dù có nhiều yếu tố cùng tác động song có lẽ ngay lúc này, gói cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ của Mỹ cũng không khiến nhà đầu tư bị chi phối quyết định với vàng, cho bằng các thông tin về COVID-19. Hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở một số quốc gia châu Á và Mỹ tiếp tục gia tăng, đã đe dọa triển vọng kinh tế và thúc đẩy một số nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn vào vàng. Tuy nhiên, chỉ số CPI thể hiện tỷ lệ lạm phát ổn định của Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư không vội vàng quá mức với kim loại quý này.