Gói hỗ trợ tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hướng trọng tâm tới sự bình đẳng, công bằng

Theo mof.gov.vn

Trả lời báo chí mới đây về các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam cho DN và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, điểm khác biệt trong các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới là chính sách hỗ trợ hướng trọng tâm tới sự bình đẳng, công bằng và người thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.

Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có ý nghĩa rất đặc biệt, ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ lần này?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến nền kinh tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, đồng thời thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, đồng thời ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm mức thu đối với nhiều loại phí, lệ phí.

Ước tính tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính).
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính).

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 (3 đến 6 tháng). Tính đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 26,7 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại và có diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và các hộ, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí..., qua đó đặt ra nhiều thách thức cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, đồng thời tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội đối với người lao động làm việc trong các lĩnh vực này.

Vì vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, như chính sách giảm số thuế TNDN phải nộp của năm 2021; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT đối với một số nhóm lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh; miễn tiền chậm nộp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Trong bối cảnh các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tôi cho rằng đây là những giải pháp hỗ trợ rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp họ có nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hơn nữa, thông qua việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các chính sách này cũng sẽ góp phần duy trì và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trên thực tế, người dân và doanh nghiệp rất mong chờ các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ. Ông nhận định như thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Để phát huy hiệu quả cao nhất của chính sách trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách để tất cả các đối tượng trong xã hội đều có thể tiếp cận thông tin về các gói hỗ trợ tài khóa hiện nay.

Trình tự, thủ tục hành chính để được hưởng các chính sách hỗ trợ đã được đơn giản hóa. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách hỗ trợ cũng đã được tăng cường.

Là người làm công tác nghiên cứu, ông có thể cho biết những khác biệt của các gói hỗ trợ về tài khóa ở Việt Nam so với một số nước trên thế giới, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Xu hướng chính sách tài khóa của các quốc gia trên thế giới hiện nay là thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng chi ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến thất nghiệp, giảm thu nhập và gặp các khó khăn kinh tế khác. Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển như Indonesia, Lào, Myanmar…, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn hạn chế, chưa được thực hiện trên quy mô rộng.

Ở Việt Nam, mặc dù điều kiện ngân sách còn khó khăn, cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế nói trên, Chính phủ cũng đã có các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ NSNN cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, số tiền đã thực hiện hỗ trợ trong năm 2020 là 16,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, dự kiến có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

Rõ ràng, ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho những người lao động chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 như lao động bị nghỉ việc, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, trẻ em…

Do vậy, điểm khác biệt của các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới chính là chính sách hỗ trợ đã chú trọng tới sự bình đẳng, công bằng và người thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.

Vừa qua có rất nhiều ý kiến chia sẻ với Bộ Tài chính, bởi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thu ngân sách bị ảnh hưởng do doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh tế tăng trưởng chậm lại; nhưng cùng lúc lại thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Theo ông, vậy cần làm gì để thực hiện cùng lúc hai mục tiêu đó mà không “làm khó” Bộ Tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế và thu ngân sách trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các lĩnh vực được hỗ trợ.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu thu NSNN, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể là: (i) Trong ngắn hạn, thực hiện tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản; (ii) Trong dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp… Bên cạnh đó, khi các gói hỗ trợ tài khóa được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.

Xin cảm ơn ông!