Gói vay 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp phải tiếp cận đúng ngân hàng
Gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đến từ nguồn lực của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, không phải ngân sách nhà nước. Do đó, doanh nghiệp, khách hàng phải tìm đúng ngân hàng nếu muốn tiếp cận gói vay này.
Vay đúng chỗ và cho vay đúng đối tượng
Chia sẻ tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng này không phải là vốn ngân sách nhà nước, mà là nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV. Mỗi ngân hàng cấp vốn 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TPBank cũng tham gia chương trình với nguồn vốn là 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số vốn cung ứng trong Chương trình lên 125.000 tỷ đồng.
Lãi suất cam kết của các ngân hàng tham gia là giảm 1,5%-2% so với lãi suất trung, dài hạn bình quân của bốn NHTM. Trong đó, giảm 1,5% áp dụng cho những nhà đầu tư kinh doanh; còn 2% áp dụng cho người mua nhà.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp, tập đoàn phản hồi đã không tiếp cận được gói vay do “gõ nhầm cửa” ngân hàng.
“Có tập đoàn phản hồi không tiếp cận được gói vay 120.000 tỷ đồng khi hỏi vay tại HDBank. Tôi xin khẳng định, gói tín dụng này chỉ có ở 4 NHTM Nhà nước. Gần đây có thêm Ngân hàng Tiên phong với gói 5.000 tỷ đồng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Nêu quan điểm cho vay đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu cho biết, phải giải ngân đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
“Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay,” Phó Thống đốc lưu ý.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ
Theo thông tin từ NHNN về Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, có 28/63 UBND tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư; hai dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và một dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Chỉ ra nguyên nhân nhiều dự án chậm giải ngân, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, có một số địa phương chưa công bố danh mục giải ngân mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, đại diện NHNN cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các NHTM xem xét cho vay.
Về phía NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hơp với thực tế triển khai.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2023.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình, mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung Chương trình tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.