Google, Facebook và Amazon sẽ điều trần về thuế kỹ thuật số của Pháp
Google, Facebook và Amazon nằm trong số những tập đoàn sẽ điều trần trước Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vào ngày 19/8 tới về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Chính phủ Pháp.
Thượng viện Pháp hồi tháng Bảy đã thông qua kế hoạch đánh thuế 3% trên doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số tạo ra tại Pháp của các công ty có hơn 25 triệu euro doanh thu tại Pháp và 750 triệu euro (838 triệu USD) doanh thu toàn cầu. Ngay sau đó, USTR đã mở một cuộc điều tra về thuế mới được cho là “vô lý” này.
Cơ quan này có thể đưa ra các mức thuế mới đối với hàng hóa của Pháp hoặc các lệnh hạn chế thương mại khác sau khi thời gian lấy ý kiến công chúng kết thúc vào ngày 26/8.
Trong văn bản nội dung điều trần với USTR, Giám đốc phụ trách chính sách thuế quốc tế của Amazon, Peter Hiltz, cho biết hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp đang bán hàng trên Amazon, và ông đã thông báo cho họ rằng nhiều khoản phí nhất định sẽ tăng 3% cho các giao dịch mua bán thực hiện trên trang Amazon.fr từ ngày 1/10.
Ông cũng cho biết các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ được bán trên Amazon Pháp cũng vì mức thuế này mà có giá cao hơn.
Theo bản điều trần của người phụ trách chính sách thuế toàn cầu của Facebook Alan Lee, thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp gây ra nhiều khó khăn cho mô hình kinh doanh của Facebook và sẽ cản trở sự tăng trưởng và đổi mới của nền kinh tế số, cũng như đòi hỏi phải tái thiết lại hệ thống này.
Trong văn bản điều trần của mình, luật sư về chính sách thương mại của Google Nicholas Bramble cho biết thuế trên của Pháp không tuân theo những quy định về thuế đã được thiết lập lâu nay và nhắm đến một số doanh nghiệp.
Theo ông, thuế này cũng sẽ gây ra những tranh cãi về việc các hoạt động kỹ thuật số nhất định được cung cấp tại Pháp hay tại một nơi khác.
Jennifer McCloskey, Phó chủ tịch phụ trách chính sách tại Hội đồng ngành công nghệ thông tin, tổ chức đại diện cho Amazon, Facebook, Apple Inc, Google và nhiều công ty khác, cũng sẽ tham gia điều trần với lập luận rằng thuế kỹ thuật số của Pháp sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đi ngược lại quá trình hướng đến những chính sách thuế quốc tế ổn định lâu dài và có thể tác động một cách không công bằng đến các doanh nghiệp của Mỹ.
Tổ chức này cũng cho rằng rất có thể chi phí thuế nói trên sẽ được chuyển sang chuỗi cung ứng.
Tổng thống Donald Trump hồi tháng trước đã đe dọa đánh thuế rượu vang của Pháp nhằm đáp trả kế hoạch thuế nói trên. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, bao gồm Áo, Anh, Tây Ban Nha, và Italy, cũng đã công bố các kế hoạch thuế kỹ thuật số của riêng mình.