Google "thâu tóm" Fintech Nhật Bản
Google mua lại một công ty khởi nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản nhằm phát triển mảng dịch vụ tài chính ở xứ sở mặt trời mọc
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, Google đang thực hiện một bước đột phá vào dịch vụ tài chính ở Nhật Bản bằng cách mua lại Pring Inc, công ty khởi nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt, với giá từ 20 đến 30 tỉ yen (khoảng 180 đến 270 triệu USD). Nikkei cho biết, việc Google đàm phán để mua lại Pring Inc nhằm giúp 'gã khổng lồ' công nghệ Mỹ này cung cấp các dịch vụ tài chính của riêng mình thay vì phụ thuộc vào các ngân hàng đối tác và các công ty phát hành thẻ tín dụng.
Thị trường thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản còn khá non trẻ và còn nhiều dư địa để mở rộng. Nikkei dẫn số liệu năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch bán lẻ của Nhật Bản chỉ dưới 30%, thấp hơn rất nhiều so với 70-90% ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Sự gia nhập của Google sẽ tăng cường sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Pring Inc có trụ sở ở Tokyo và do ngân hàng Mizuko Bank nắm vốn chi phối. Pring Inc hiện cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mặt, rút tiền qua điện thoại thông minh. Pring Inc hiện có hơn 400 khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ để thực hiện các khoản thanh toán nhỏ cho các chủ doanh nghiệp và cung cấp các khoản hoàn trả cho khách hàng.
Trong khi đó, 'gã khổng lồ' công nghệ Mỹ đã hoạt động dịch vụ Google Pay tại Nhật Bản từ năm 2015 thông qua sự hợp tác với các 'ông lớn' thẻ tín dụng và thẻ trả trước. Với việc sở hữu Pring và mạng lưới sẵn có của mình, Google sẽ có thể tự vận hành các dịch vụ tài chính thay vì phải phụ thuộc vào các đối tác.
Visa mua lại công ty khởi nghiệp Thụy Điển với giá hơn 2 tỷ USD
Visa Inc., công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ đã đồng ý mua lại công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Tink với giá 1,8 tỷ euro (2,1 tỷ USD) trong một thỏa thuận nhằm thúc đẩy tham vọng thâm nhập lĩnh vực kỹ thuật số của “gã khổng lồ” thanh toán này.
Thỏa thuận này diễn ra sau khi Visa cố gắng mua lại Plaid, một đối thủ đồng hương của Tink, song đã bị các cơ quan quản lý Mỹ “chặn lại”. Sau đó Plaid đã hoạt động như một công ty độc lập và được các nhà đầu tư định giá lần cuối là 13,4 tỷ USD.
Cả Plaid và Tink đều hoạt động trong một không gian mới được gọi là ngân hàng mở, trong đó kêu gọi bên cho vay cung cấp cho các công ty bên thứ ba quyền truy cập vào dữ liệu ngân hàng của người tiêu dùng. Lĩnh vực ngân hàng mở đã phát triển mạnh ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhờ các quy định mới.