Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN: Đề xuất hướng xử lý đối với các khoản chi tiếp thị, quảng cáo

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Xét một cách tổng thể, nội dung Dự án luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà Bộ Tài chính công bố gần đây đã bám sát mục tiêu tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN: Đề xuất hướng xử lý đối với các khoản chi tiếp thị, quảng cáo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đặc biệt, các quy định về giảm mức thuế suất chung và cải cách ưu đãi thuế hứa hẹn sẽ tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn.

Trước hết, cần nhấn mạnh và hoan nghênh tinh thần của dự án luật đã mạnh dạn điều chỉnh thuế suất chung giảm từ mức 25% hiện hành xuống còn 22%; riêng DN quy mô vừa và nhỏ (đáp ứng ứng 02 điều kiện: sử dụng dưới 200 lao động; và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 20%. 
 
Thực tế cũng cho thấy, việc dự luật bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực là hoàn toàn thoả đáng. Theo đó, DN thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi 10%; bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư mở rộng vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN; bổ sung thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí vào diện được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%; thu nhập của tổ chức tài chính vi mô vào diện áp dụng thuế suất 20%. 
 
Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 10 lần vốn chủ sở hữu). Thực tế cho thấy, điều chỉnh này là cần thiết để kiểm soát sự an toàn tài chính vĩ mô và chống chuyển giá.

Tương tự, thực tế cũng cho thấy sự hợp lý của những điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với các khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về khoản chi đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của DN; bổ sung quy định điều kiện được tính vào chi phí để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quản lý kiểm soát thu nhập của các tổ chức; bỏ quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu; quy định cụ thể một số khoản thu nhập không được ưu đãi thuế.
 
Tuy nhiên, đối với quy định trong dự án luật về nâng mức khống chế quảng cáo, khuyến mại lên 15% (là mức hiện hành chỉ áp dụng cho DN thành lập mới trong 3 năm đầu), cần có sự cân nhắc thêm, vì bốn lý do cơ bản:
 
Thứ nhất, cần đảm bảo tính công bằng và hiệu quả quản lý nhà nước theo từng mục tiêu và giai đoạn cụ thể. Theo đó, không nên khống chế trần chi phí quảng cáo được tính trừ khi tính thuế TNDN, nhưng có thể xác lập nguyên tắc mềm, quy định DN chỉ được tính giảm trừ 50% tổng chi phí quảng cáo phát sinh, không căn cứ vào tổng số chi phí tính thuế TNDN được tính trừ; hoặc có thể cho phép DN được tính giảm trừ 15-20% tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh dịch vụ của năm tài chính; phần chi phí thực chi vượt trội, có thể được chuyển tính vào năm tiếp theo. Việc này cho phép các DN có thể chủ động quyết định được ngân sách chi cho quảng cáo của họ, tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh.
 
Thứ hai, Nhà nước cần dùng mức tính trừ chi phí quảng cáo để khuyến khích sự minh bạch trong kinh doanh của DN. Một mặt, những chi phí không công khai, không đúng mục đích quảng cáo sẽ không được coi là chi phí hợp lệ và không được tính trừ. Mặt khác, cho phép tăng mức khấu trừ một số khoản chi hợp lệ, như: chi marketing, triển lãm hay xúc tiến thương mại ra nước ngoài được phê duyệt; quà tặng các tổ chức công và nhà nước; các sự kiện và chương trình của tổ chức công; những đối tượng thụ hưởng được cấp phép và đối tượng chính sách khác.
 
Thứ ba, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo nguyên tắc tránh cào bằng, mà căn cứ theo tính chất từng nhóm ngành và tính thời gian của quảng cáo. Theo tinh thần này, nên phân biệt mức giảm trừ chi phí quảng cáo trong thu nhập tính thuế theo tính chất ngành nghề của DN. Cụ thể: nên giảm trừ nhiều hơn chi phí quảng cáo cho sản phẩm những ngành dịch vụ, so với những ngành sản xuất; giảm trừ chi phí quảng cáo nhiều hơn cho những sản phẩm có tính thời vụ, vòng đời ngắn hạn so với những sản phẩm ổn định và có vòng đời dài hạn hơn; đồng thời, cần giảm trừ chi phí quảng cáo nhiều hơn cho các sản phẩm mới và công ty mới tham gia thị trường.
 
Thứ tư, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo mục tiêu sử dụng sản phẩm, nhằm khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa (nhất là các khoản chi phí quảng cáo hàng hóa cho thương hiệu Việt), hàng của các DN sản xuất theo công nghệ sạch, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần giảm mức chi phí quảng cáo được khấu trừ, nhằm ngăn chặn tiêu dùng quá mức đối với những sản phẩm không khuyến khích, nhất là các mặt hàng gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng như rượu, thuốc lá. 
 
Cần nhấn mạnh rằng, quảng cáo là hoạt động thiết thân của DN và cần cho cả người tiêu dùng. Kinh phí quảng cáo là chi phí kinh doanh thực tế của DN, được đưa vào giá thành sản phẩm và khi người tiêu dùng chấp nhận mua hàng, tức là đã chấp nhận khoản chi này. Vì vậy, nên để DN được chủ động quyết định khoản chi quảng cáo khi thấy cần thiết. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động quảng cáo của DN thông qua việc đưa ra các quy định và chế tài nghiêm khắc nhằm đề cao sự minh bạch kinh doanh và ngăn cản, trừng phạt những hoạt động quảng cáo sai sự thật và quảng cáo quá mức, gây cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại cho người tiêu dùng.