Hạ lãi suất có “cứu” được doanh nghiệp?

Theo giaothongvantai.com.vn

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn lên tới 8,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 4,5% cho thấy các ngân hàng đang ứ đọng vốn. Vì ứ đọng vốn, các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên không phải vì thế mà doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay…

Hạ lãi suất có “cứu” được doanh nghiệp?
Doanh nghiệp vẫn chưa tin ngân hàng dù ngân hàng đã giảm lãi và thủ tục thông thoáng hơn. Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Chạy đua giảm lãi suất

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Vietcombank có mức tăng trưởng tín dụng âm 1,1%; Vietinbank tăng 1,5%, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác có mức tăng trưởng không đáng kể, doanh số giao dịch giảm tới 80%... Những dấu hiệu này chứng tỏ nguồn vốn của các ngân hàng đang ứ đọng ở mức đáng báo động. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giải quyết nguồn vốn ứ đọng, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất.

Ngày 18/7/2013, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03, kêu gọi mức tăng tín dụng toàn hệ thống là 12% cho năm 2013, yêu cầu các NHTM chủ động cân đối các nguồn vốn, điều chỉnh lãi suất và thời hạn vay để ổn định thị trường kinh tế.

Theo đó, các ngân hàng chủ động rà soát dư nợ các khoản vay cũ, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt bằng lãi suất cho vay của nhóm NHTM Nhà nước đối với các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8%/năm. Đặc biệt, với một số doanh nghiệp tài chính minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, các NHTM cho vay lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
"Doanh nghiệp đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn như hàng tồn kho, nợ xấu, lạm phát đang dần tăng... Để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, ngoài những động thái giảm lãi suất thời vụ, các ngân hàng thương mại nên tìm cách giảm chi phí các yếu tố đầu vào để giảm lãi suất dài hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn, với thời gian đủ để các doanh nghiệp có thể phục hồi và đi vào kinh doanh, sản xuất ổn định”.

TS. Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất vay vốn, như Techcombank giảm xuống 8,5%/năm cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 7 và 8/2013, VIB giảm xuống 7,77%/năm, 7,5%/năm của Vietcombank, 6% của VPBank, BIDV, Agribank và Vietcombank xuống mức 5%/năm...
 
Doanh nghiệp sợ ăn “bánh vẽ”

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng khá tích cực và mạnh tay, tuy nhiên chỉ gây “choáng” tức thời, chứ khó có thể kéo mức tăng trưởng tín dụng nhanh chóng cân bằng với tăng trưởng huy động vốn, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn.

“Nếu xác định được khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng chỉ là ưu đãi ngắn hạn, bởi NHTM cũng chỉ dồi dào nguồn vốn ngắn hạn, họ không thể mạo hiểm rót vốn lớn để “cứu” doanh nghiệp với thời hạn cho vay kéo dài. Bởi, xét cho cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ kinh doanh tiền tệ trên cơ sở phải có lợi và an toàn, việc “chọn mặt gửi vàng”, “trông giỏ bỏ thóc” cũng là chuyện bình thường” - TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải. 

Chị Lê Ngọc Diệp - Giám đốc một công ty may tại Nam Định cho biết: “Doanh nghiệp nhỏ chúng tôi không phải cứ muốn vay vốn là vay được. Nếu không chứng minh được thực lực, không có phương án kinh doanh, khả năng thanh toán... sẽ rất khó vay. Chưa kể, một số doanh nghiệp nhỏ, vốn ít thường không được các ngân hàng đón tiếp. Chính vì vậy, dù các ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất, hô hào cho vay, nhưng doanh nghiệp vẫn không hết “khát” vốn”.

Hơn nữa, cái cách các ngân hàng đang cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi giống như cho “ăn bánh vẽ”, bởi thông thường các ngân hàng chỉ cho vay vốn ưu đãi trong thời gian ngắn từ 1-3 tháng, sau đó thả nổi lãi suất về mức chung của thị trường. “Cái chúng tôi cần không chỉ là mức lãi suất hạ, mà là cần một phương án dài hơi, cần sự chung tay của ngân hàng, cần được “cứu” thực sự”, chị Diệp bày tỏ.