Hạ lãi suất, khơi thông dòng vốn

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Quyết định cắt giảm một loạt mức lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây được các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các ngân hàng thương mại đánh giá là phù hợp, là giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, cần phải làm sao để dòng vốn giá rẻ lưu thông vào sản xuất, kinh doanh.

 Hạ lãi suất, khơi thông dòng vốn
Bên cạnh việc hạ lãi suất, cần phải làm sao để dòng vốn giá rẻ lưu thông vào sản xuất, kinh doanh. Nguồn: internet

Kích cầu tín dụng

Lý giải về quyết định cắt giảm lãi suất lần này của NHNN, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Trong gần ba tháng đầu năm nay, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,55% so tháng 1 và tăng 1,24% so cuối năm 2013).

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm trước và sau dịp Tết Nguyên đán, lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. Trên cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ như vậy, NHNN đã có quyết định giảm đồng loạt các mức lãi suất chủ chốt để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 13/3, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 2,96% so với cuối năm 2013; huy động vốn của toàn hệ thống tăng 1,92% và tín dụng giảm 1,05% so với cuối năm 2013. Theo Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Xuân Hoàng, trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng thì quyết định giảm lãi suất huy động là hợp lý và sẽ làm cơ sở tiền đề cho việc giảm lãi suất cho vay, từ đó góp phần thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank), TS Nguyễn Đức Hưởng cũng cho biết, quyết định hạ trần lãi suất huy động của NHNN là hợp lý với các chỉ số kinh tế ba tháng đầu năm. Thậm chí trong thời gian tới, nếu lạm phát thấp, trần lãi suất huy động ngắn hạn có khả năng còn có thể giảm thêm nữa. Nhưng bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Hưởng cũng khẳng định, chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong nền kinh tế, và hiện nay lãi suất cho vay không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp, mà vấn đề còn lại là tổng cầu. Do đó, cần sớm nới room trên thị trường chứng khoán để thu hút đầu tư với lãi suất rẻ hơn và đẩy mạnh đầu tư công. "Trong lúc này, huy động vốn trái phiếu chính phủ hoặc công trái là dễ nhất để đầu tư công và đem lại hiệu quả vững chắc, an toàn nhất. Đó là biện pháp kích cầu hợp lý để tăng trưởng tín dụng", TS. Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ.

Báo cáo của Khối nghiên cứu Kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ không có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng cho vay. Theo HSBC, động thái giảm lãi suất cho thấy mục đích của NHNN là nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng bản thân lãi suất không phải là vấn đề, vì lãi suất đã được đưa về khung hợp lý và tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa. Nghiên cứu của HSBC nhận định, vấn đề chính yếu hiện nay là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Vì vậy, một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Có thể thấy, quyết định hạ lãi suất lần này của NHNN không hề gây bất ngờ. Bởi với những tín hiệu trên thị trường thể hiện từ đầu năm tới nay, bản thân các ngân hàng cũng đã chủ động tự điều chỉnh giảm lãi suất từ trước khi có thông báo chính thức từ phía NHNN. Với mức giảm mạnh 1% đối với trần lãi suất huy động VNĐ các kỳ hạn một tháng đến dưới sáu tháng, giảm từ 7% xuống 6%/năm và trần lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 9% xuống 8%/năm, thị trường kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường khác theo đó cũng được kéo giảm mạnh mẽ hơn nữa.

Chủ trương của Chính phủ trong việc khôi phục thị trường bất động sản, xây dựng kỳ vọng năm nay, ngành thép Việt Nam sẽ "thoát đáy", và tăng trưởng nhẹ, ước tính khoảng 7%, trong đó thép xây dựng khoảng 3%. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng, việc giảm lãi suất, chủ yếu ở mức ngắn hạn là tin vui cho các doanh nghiệp thép, vì họ thường sử dụng lượng vốn lưu động rất lớn. Thực tế, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp đầu tư xong, lại hoạt động cầm chừng là do thiếu vốn lưu động. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết thêm, ngành thép có nhu cầu lớn về đầu tư dài hạn, với thời gian hoàn vốn lâu nên lãi suất cho vay dài hạn trong thời gian tới cần được điều chỉnh giảm, tạo điều kiện phát triển thuận lợi, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Đức Mười cũng bày tỏ: Giảm lãi suất là động thái khá mạnh mẽ của NHNN trong quyết tâm thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Lãi suất vay vốn giảm là động lực tích cực đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Dù chưa thật sự có tác động mạnh, nhưng lãi suất giảm đã tạo được niềm tin lớn ở doanh nghiệp đối với việc điều hành chính sách của NHNN nói riêng và các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Văn Đức Mười, đây chỉ là một yếu tố chứ chưa phải là "chiếc đũa thần" đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bởi điều doanh nghiệp lo lắng nhất trong giai đoạn này là sức mua vẫn chưa khởi sắc. Trong khi đó, chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh vẫn ngày càng tăng mà doanh nghiệp lại không thể hoặc không dám tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình. Vì thế, doanh nghiệp vẫn sẽ thận trọng, tính toán kỹ càng trong việc đưa ra quyết định vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ... doanh nghiệp chỉ vay số vốn phù hợp, vừa đủ với nhu cầu mình cần và chỉ những doanh nghiệp có được những cơ hội sản xuất, kinh doanh tốt, tìm được khách hàng, thị trường ổn định mới dám mạnh dạn vay vốn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hợp lý để tăng tổng cầu, có chính sách tài khóa phù hợp và đồng bộ với chính sách tiền tệ, giảm thuế VAT....

Xem xét giảm lãi suất cho vay dài hạn

Việc giảm lãi suất huy động vốn ngắn hạn của NHNN là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay. Nhưng với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thì lãi suất vay dài hạn mới là yếu tố ảnh hưởng chính. Hiện nay, lãi suất vay dài hạn dành cho công nghiệp ở nước ta quá cao (10,5%/năm) và chưa được điều chỉnh trong thời gian dài, trong khi ở khu vực và quốc tế chỉ ở khoảng 2 - 3%. Điều này làm giảm khả năng đầu tư dài hạn, dẫn đến hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Nó cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, vì các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng sự hỗ trợ nhiều hơn từ mức lãi suất cho vay thấp. NHNN nên xem xét lại, để giảm lãi suất cho vay dài hạn, tạo điều kiện ổn định và phát triển cho doanh nghiệp trong bối cảnh còn khó khăn của nền kinh tế hiện nay, kỳ vọng sẽ ở mức 7% năm.

Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại - sản xuất Thép Việt.

Ổn định giá cả các yếu tố đầu vào

Công ty chúng tôi đang rất cần vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng mới nên rất vui mừng trước thông tin lãi suất vốn vay giảm. Lâu nay, do lãi suất cao, chúng tôi rất hạn chế vay vốn ngân hàng mà chủ yếu sử dụng vốn tự có. Tuy vậy, mức lãi suất hiện nay vẫn chưa đủ sức hấp dẫn mạnh mẽ với doanh nghiệp, lãi vay cần giảm thêm. Hiện nay, chi phí đầu vào của doanh nghiệp liên tục tăng nhưng giá bán của hàng hóa lại không tăng được, vì tăng giá sẽ tiêu thụ chậm, không bán được sản phẩm. Bên cạnh đó, lâu nay ngân hàng chào mời vay vốn khá nhiều nhưng công ty chưa dám vay vì kỳ hạn vay vốn và đáo hạn tiền vay của ngân hàng thường không tương thích với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vòng đời sản phẩm của doanh nghiệp, khiến lãi suất vay thực tế mà doanh nghiệp phải trả thường cao hơn mức lãi suất công bố... Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách ổn định được giá cả các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, cần nhất là có những cam kết dài hạn ở tầm vĩ mô. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét lại chính sách tín dụng, có những sản phẩm tín dụng, kỳ hạn vay linh hoạt, phù hợp thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty thủ công mỹ nghệ Kim Bôi (TP. Hồ Chí Minh)