Hà Nội: 35% số căn biệt thự hiện đang bị bỏ hoang
(Tài chính) Theo thống kê, trong số 16 dự án của 11 chủ đầu tư được kiểm tra với khoảng 2.684 căn biệt thự thì có gần 698 căn (chiếm gần 35%) vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang. Trong khi đó, nhiều người dân đang không có nhà để ở thì thực trạng hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang nhiều năm như thế này giống như “cái gai” trong mắt dư luận.
Một số lượng lớn các dự án biệt thự bỏ hoang được rải đều tại nhiều khu đô thị trên toàn TP. Hà Nội như: Cụm chung cư An Sinh thuộc Mỹ Đình II (Q.Nam Từ Liêm); Khu đô thị mới (KĐTM) Cổ Nhuế, Văn Quán, Pháp Vân - Tứ Hiệp… Nguyên nhân của tình trạng bỏ hoang hàng loạt trên chủ yếu do đầu cơ, tích trữ. Ngoài ra, do ở một số dự án, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ như chưa có nhà trẻ, trường học, trạm xá, giao thông chưa hoàn thiện, hay úng ngập... nên người dân chưa thể sử dụng.
Chỉ cách trung tâm Hà Nội gần 20km, KĐTM Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với quy mô 288,8ha do Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư từng được ví như thiên đường cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai dự án vẫn chỉ là bãi đất đầy cỏ, với những biệt thự lô nhô xấu xí. Khác với KĐT Nam An Khánh, KĐT Lideco (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay khu biệt thự vẫn trong cảnh hoang vắng vì ít người dọn về ở. Những bức tường trơ xi măng phủ đầy rêu mốc. Biệt thự xây xong, không người ở, cỏ, cây dại mọc kín nhà.
Ngoài ra, tại nhiều KĐT như Trung Văn (Nam Từ Liêm), Mỗ Lao (Hà Đông), Quang Minh (huyện Mê Linh)... với những ngôi biệt thự xây thô có giá từ 10 - 15 tỷ đồng vẫn không bóng người, nằm phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay.
Mặc dù TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt và đề xuất thu thuế, thu phí người sở hữu biệt thự bỏ hoang. Tuy nhiên, điều này gặp khó khăn khi vướng Luật Dân sự, cũng như chưa có chế tài xử lý. Nhằm "che đậy" những cảnh báo về bảo đảm bộ mặt đô thị của chính quyền địa phương, một số giải pháp tình thế hiện nay được nhiều nhà đầu tư "áp dụng" đó là dùng nhà bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang làm nơi kinh doanh quán ăn, vật liệu xây dựng, cafe... Tuy nhiên hình thức đối phó này càng làm tình trạng mất mỹ quan đô thị trầm trọng hơn.
Nguyên nhân của hiện tượng này, một số chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng, đây là hệ quả của một thời gian dài thị trường BĐS phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư BĐS. Các đại gia địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu “ảo” mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân.
Vài năm trước, khi thị trường BĐS bùng nổ, người người, nhà nhà, đua nhau đầu tư bất động sản. Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua khảo sát các sàn giao dịch BĐS, “khẩu vị” của khách hàng bất động sản hiện nay đã thay đổi. Thay vì vẻ hào nhoáng của những căn biệt thự hoành tráng, họ chú trọng hơn đến nhu cầu ở thực và ưa chuộng những dự án nằm gần hoặc trong khu vực nội đô, có hạ tầng xã hội hoàn chỉnh.
Theo thống kê của Công ty TNHH Savills Việt Nam, phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội hiện có 128 dự án, với khoảng 42.700 căn. Trong đó, 30.600 căn được chào bán dưới dạng phiếu mua bán (đã đầy đủ cơ sở pháp lý), số còn lại đến từ các dự án còn đang trong giai đoạn hợp đồng góp vốn. Trong tương lai, nguồn cung của phân khúc biệt thự, liền kề còn đến từ 86 dự án, với tổng diện tích khoảng 11.500 ha, nằm rải rác tại 15 quận, huyện.
Trong khi đó, mức độ thanh khoản của các dự án biệt thự liền kề này vẫn rất khiêm tốn. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết là do giá nhà bị đẩy lên quá cao, trong khi đó, thu nhập của người dân lại thấp. Chính vì vậy, họ không có đủ điều kiện kinh tế để đầu tư vào phân khúc nhà ở “đắt đỏ” này (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt hơn 40 triệu đồng/năm, nhưng các dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội vẫn duy trì giá bán từ 30 đến 120 triệu đồng/m2). Số lượng người có đủ tiền để mua những căn biệt thự này là rất ít.
Bên cạnh đó, một phần cũng là do tác động của thị trường. Thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến cho việc bán các căn biệt thự cao cấp này trở nên khó khăn hơn. Trong khi, các doanh nghiệp trong một thời gian dài vướng phải lãi suất cao của ngân hàng nên đã không đỉ tiềm lực tài chính để hoàn thiện những dự án bất động sản này. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông ở những khu đô thị mới này chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân nghi ngại khi quyết định mua nhà và dọn nhà về ở…
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc sàn BĐS Sao Việt chia sẻ: Thực tế việc để tồn đọng các biệt thự để hoang tại nhiều dự án thì có nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên theo tôi yếu tố phụ thuộc vào tiền của nhà đầu tư thứ cấp thì chiếm đại đa số trong các dự án. Ở giai đoạn này không nhiều chủ đầu tư đủ mạnh để có một nguồn tiền đổ vào giải quyết các biệt thự tồn đọng kia và câu chuyện chờ vốn, hoặc một số người đầu tư tiếc tiền không dám bán để cắt lỗ thì các biệt thự này sẽ còn “nằm đó” nhiều năm nữa.
Việc để tồn đọng các biệt thự bỏ hoang thời gian qua, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng trách nhiệm này thuộc về UBND TP. Hà Nội. Hà Nội đã thiếu những biện pháp xử lý tồn đọng hiệu quả và phải có trách nhiệm trong việc phê duyệt các dự án BĐS một cách tràn lan, thiếu định hướng.
Mặc dù, vấn đề siết biệt thự bỏ hoang đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Hà Nội từng ra hàng loạt thông điệp về sự hoang phí này, từ việc yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt đến giải pháp đánh vào kinh tế. Theo đó phương án của Hà Nội đưa ra là đề xuất đánh thuế và thu phí người sở hữu từ 2 biệt thự bỏ hoang trở lên để tránh đầu cơ, tăng ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn dừng lại ở những đề xuất và đến nay, hàng ngàn ngôi biệt thự vẫn để hoang, phơi sương, phơi nắng.