Hà Nội bỏ quy hoạch sân bay thứ hai tại Ứng Hòa, vị trí mới ở đâu?
Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết khu vực Ứng Hòa không còn phù hợp cho việc quy hoạch sân bay thứ hai do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.
Trả lời báo chí về việc quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô vào ngày 25/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trên thế giới các thành phố hơn 10 triệu dân thường có 2 sân bay quốc tế. Do đó, Hà Nội cần có thêm một sân bay hỗ trợ cho Nội Bài.
Trả lời báo chí về việc quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô vào ngày 25/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trên thế giới các thành phố hơn 10 triệu dân thường có 2 sân bay quốc tế. Do đó, Hà Nội cần có thêm một sân bay hỗ trợ cho Nội Bài.
Không phù hợp
Cũng theo ông Tuấn, TP. Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay trước năm 2030, trong đó quỹ đất phải hơn 1.000 ha để xây dựng trong giai đoạn 2030-2050.
Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, trước đây thành phố đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, do đây là 1 trong 4 địa điểm sân bay được xác định trong quy hoạch vùng Thủ đô. Tuy vậy đến nay, thành phố xác định khu vực Ứng Hòa không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.
"Thay cho Ứng Hòa, thành phố đang nghiên cứu vị trí tại các huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết Hà Nội sẽ đồng thuận nếu quy hoạch ngành xác định vị trí sân bay thứ hai không nằm trên địa giới của Thủ đô. Bởi sân bay này có mục tiêu phục vụ nhu cầu người dân cả các tỉnh phía Nam lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vị trí dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 tại khu vực huyện Ứng Hòa, khoảng cách đến Nội Bài khoảng 54km.
Không chỉ TP. Hà Nội, hồi tháng 3/2021, UBND TP. Hải Phòng cũng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hồi giữa tháng 7/2021, trong văn bản trả lời đề xuất của UBND TP. Hà Nội liên quan đến việc quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa, Bộ Giao thông Vận tải cho biết các đơn vị tư vấn đánh giá vị trí Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài.
Trong khi đó, các đề xuất khác như huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 – 65km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 – 50km khi được đặt lên bàn cân đều gặp nhiều vướng mắc.
Trong đó với đề xuất xây sân bay tại Hải Dương sẽ "vấp" phải 3.000 ha lúa và phải di dời cả 1 huyện nên rất khó để tiến hành giải phóng mặt bằng. Hay với đề xuất sân bay Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng được cho là không phù hợp vì đã có quy hoạch mở rộng sân bay Cát Bi.
Cần thiết sân bay thứ 2 Hà Nội
Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Bộ đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội. Sân bay này sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm đến 2050.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS. Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, thực tế đề xuất sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô đã nằm trong ý đồ của quy hoạch Vùng Thủ đô 2016.
Theo ông Chiến, với sự phát triển nhanh chóng và không để quá tải khó kiểm soát như sân bay Tân Sơn Nhất, phải có những cuộc khảo sát, điều tra bởi các tổ chức chuyên môn về các yếu tố địa chất, địa lý, thủy văn, mối quan hệ trong vùng và đặc biệt là đường lên xuống hỗ trợ cho sân bay Nội Bài...
Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho biết, trên thế giới, các sân bay trên biển cũng đã xây dựng được từ lâu, do đó vùng trũng không phải là vấn đề lớn.
Điều vị trí được lựa chọn cần tính toán cẩn thận đó là làm sao không xung đột với các đường cất cánh lên xuống. Riêng sân bay không thể đặt đâu cũng được mà còn phải phù hợp với đường bay trên trời. Phải kết nối với nó là hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, bởi đây là một đầu mối trung chuyển, phải xây dựng giao thông liên vùng hiện đại và tầm nhìn lâu dài.
Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng cần có sân bay thứ 2 ở phía nam Hà Nội để có cơ sở kết nối các tuyến giao thông từ Hà Nội về, không bỏ quên khu vực phía nam để khu vực này phát triển bền vững hơn.
"Dự thảo quy hoạch đề cập sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô đến năm 2040 mới nghiên cứu vị trí, nhưng nên làm sớm để năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước khách quốc tế sẽ đến dự lễ qua sân bay thứ 2 hiện đại ở phía nam thủ đô".
Đồng quan điểm, KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã mất khoảng 15 năm duyệt quy hoạch và xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài và mất nhiều năm nữa để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vốn... Bài học này cho thấy nếu không sớm đặt vấn đề thì sẽ mất rất nhiều thời gian nữa mới có sân bay quốc tế thứ hai.