"Hà Nội có truyền thống không muốn xung đột nhưng họ cũng có thừa quyết tâm chống lại các mối đe dọa"
(Tài chính) Chương trình châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế vừa cho đăng các bài viết của GS. Jonathan London từ Đại học Hong Kong, một chuyên gia về Việt Nam, bình luận về tình hình căng thẳng trên biển Đông và đề xuất những bước đi lớn giúp Việt Nam chủ động thoát khỏi căng thẳng.
Đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tác giả nhắc lại sự kiện chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và ở vùng biển Trường Sa năm 1988 vẫn còn chưa phai mờ trong tâm trí người Việt, cũng như gần 20 năm qua ngư dân Việt Nam luôn bị các nhà chức trách Trung Quốc xua đuổi, bắt giữ, đánh đập khi hoạt động trên vùng biển của chính Việt Nam. Với cả một chặng đường lịch sử căng thẳng lâu dài giữa hai nước, không có gì khó hiểu khi người Việt Nam luôn phải nhìn nước láng giềng với ánh mắt nghi ngại. Hành động mới nhất của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam được coi là sự xâm phạm trắng trợn, thách thức trực tiếp chủ quyền của Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam cần ra tuyên bố chính thức của nhà nước, có thể truyền hình trực tiếp, phân tích các yếu tố trong và ngoài nước, giải thích một cách rõ ràng nhất về quan điểm và mong muốn của Việt Nam giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao và pháp lý chứ không dùng vũ lực. Một bản tuyên bố bằng tiếng Việt hướng đến nhân dân Việt Nam do một lãnh đạo cấp cao nhất đọc, một bản khác bằng tiếng Anh do một quan chức cấp cao thông thạo tiếng Anh thể hiện.
Thứ hai, để nhanh chóng lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư, tác giả đề xuất thành lập một ủy ban với thành phần có cả các nhà tư vấn quốc tế đáng tin cậy để giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhà máy bị hư hỏng, người bị thương, các khó khăn đối với nhà quản lý và công nhân các công ty nước ngoài. Cần làm điều này với mức độ vượt quá sự mong đợi.
Thứ ba, tác giả khuyến cáo lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các tổ chức xã hội, các nhân sỹ trí thức lớn cần ngồi lại bàn bạc với nhau về sự tham gia của công chúng trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Đây là chiến lược khả quan và khả dĩ nhất nhằm vừa kiểm soát được các luồng quan điểm trong nước, vừa đạt được sự đoàn kết rộng rãi nhằm thu hút sự ủng hộ của quốc tế.
GS. London cho rằng, Việt Nam cần tránh kiểu chính trị và sự tranh cãi vô tận “người thắng kẻ thua”. Việt Nam và cả khu vực không thể để xảy ra xung đột quân sự, tránh sử dụng vũ lực bằng bất cứ giá nào.
Muốn duy trì mối quan hệ phù hợp với gã hàng xóm tham lam, có lẽ Hà Nội cần kết hợp một cách hiệu quả giữa phòng thủ với quyền lực mềm như đoàn kết trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, tăng cường các quan hệ đồng minh chiến lược trong và ngoài khu vực, tiến hành các cuộc cải cách dài hơi, cải thiện quyền con người.
Đồng thời, Hà Nội cần tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh. Sớm hay muộn hai bên cần tìm cách thoát khỏi căng thẳng hiện nay. Trên phương diện kinh tế, mối quan hệ giữa hai nước có thể toàn diện và cùng có lợi, với những phương án khác nhau để cùng khai thác các nguồn lực. Nhưng các phương án đó chỉ chấp nhận được với các nguyên tắc do tất cả các bên thỏa thuận.
Tác giả nhấn mạnh, thách thức hiện tại đối với Hà Nội và cả khu vực là ứng xử thế nào với hàng xóm có hành vi gây hấn đe dọa toàn bộ cộng đồng ASEAN. Các bên buộc phải thuyết phục Bắc Kinh nhận thức được mối quan hệ láng giềng tốt đẹp mới là có lợi cho Trung Quốc. Về lâu dài, Việt Nam cần theo đuổi các hành động hòa bình có tính chiến lược nhằm làm cho Trung Quốc nhận thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế và không tôn trọng các nước láng giềng chỉ làm tổn hại lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Hà Nội cần xây dựng những mối quan hệ thực sự nghiêm túc với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, không phải để kiềm chế Trung Quốc, mà để xây dựng và duy trì một trật tự khu vực cùng thịnh vượng.