Hà Nội: Không để đầu cơ, thổi giá hàng hoá trong dịch Covid-19
Cùng với việc yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khai báo y tế theo quy định. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị lực lượng chức năng trên địa bàn TP tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá.
Tối ngày 5/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đảm bảo không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn Thành phố.
Chính quyền vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khai báo y tế theo quy định, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc...
Chuẩn bị đủ cơ sở cách ly, nâng công suất cách ly đảm bảo đủ chỗ cách ly trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, đặc biệt tại khách sạn và tuyệt đối không để lây chéo.
Dừng toàn bộ hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt, vật tư rửa tay, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách tiếp xúc.
Đối với các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà yêu cầu giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về.
Về vận tải hành khách, hành khách và lái xe cần phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn tay, lập danh sách hành khách đối với hoạt động liên tỉnh, sắp xếp chỗ ngồi giãn cách.
Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, internet, các rạp chiếu phim, các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng gym,… được yêu cầu dừng ngay lập tức.
Đồng thời dừng các hoạt động tập thể tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới.
Về phía thị trường hàng hoá, yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá. Kiểm tra, kiểm soát hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch.
Tại các khu vực có nguy cơ cao như các khu công nghiệp, cũng như các đối tượng có nguy cơ như người về từ vùng dịch, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở,… yêu cầu phải có xét nghiệm sàng lọc để đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong toả cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra vào theo đúng tinh thần nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Người đứng đầu Hà Nội khẳng định mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định.