Dịp nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm sâu, vận tải bảo đảm
Ngày 3/5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhìn chung trật tự ATGT được bảo đảm, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương (số người chết giảm 26,58%), không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh đánh giá, trong dịp nghỉ lễ, lực lượng chức năng các địa phương, nhất là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Số trường hợp bị xử lý vi phạm về trật tự ATGT tăng cao so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2020.
Công tác vận tải hành khách được tăng cường trên tất cả lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ; an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Phần lớn người tham gia giao thông đều tuân thủ việc đeo khẩu trang, khai báo y tế...
Tại các bến xe, hành khách được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên xe nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên tình trạng chen lấn khiến việc bảo đảm khoảng cách phòng dịch trong bến xe không thực hiện được. Trong ngày đầu và ngày cuối nghỉ lễ, vẫn xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực cửa ngõ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia nhận gần 20 ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, ùn tắc giao thông, số lượt phản ánh giảm so kỳ nghỉ lễ năm 2020. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý kịp thời.
Trong bốn ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 32.621 trường hợp vi phạm (trong đó có gần 3.500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 15 trường hợp dương tính với ma túy); phạt tiền gần 32 tỷ đồng; tạm giữ hơn 200 ô-tô, hơn 7.000 xe máy; tước bằng lái 2.320 trường hợp. So bốn ngày nghỉ lễ năm 2020, xử lý vi phạm tăng gần 3.500 trường hợp (11,8%); tiền phạt tăng gần 18,4 tỷ đồng (134%); xử lý nồng độ cồn tăng 1.646 trường hợp (90%); xử lý lái xe dương tính ma túy tăng 12 trường hợp (400%).
Trong dịp nghỉ lễ, đã xảy ra bốn vụ tụ tập, có biểu hiện đua xe trái phép tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai và đoạn giáp ranh Vĩnh Long - Cần Thơ. Lực lượng công an các địa phương đã kịp thời giải tán, bắt giữ 64 đối tượng và 103 xe máy để xử lý. Theo thống kê của Bộ Công an, trong bốn ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 111 vụ TNGT, làm chết 58 người, bị thương 64 người. So bốn ngày nghỉ lễ năm trước, TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí: 22 vụ (16,54%), 21 người chết (26,58%), 12 người bị thương (15,79%).
Do nhu cầu về quê và du lịch của người dân trong dịp lễ, lưu lượng giao thông từ chiều 29/4 và sáng 30/4 tăng đột biến tại một số tuyến đường, khu vực ra vào cửa ngõ Hà Nội (đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Tam Trinh - Lĩnh Nam, cầu Thanh Trì, nút giao Kim Đồng - Giải Phóng, vành đai 3 trên cao,…), TP. Hồ Chí Minh (đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, hầm Thủ Thiêm), Đà Lạt (đèo Bảo Lộc, đèo Prenn),… xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Chiều 3/5, một số tuyến đường cửa ngõ vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện có tăng nhưng không ùn tắc nghiêm trọng như ngày đầu nghỉ lễ vì một số người đã quay trở lại thành phố từ ngày 2/5. Lực lượng cảnh sát giao thông đã có các phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện điều tiết, phân luồng giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an TP. Hà Nội) nhận định, do kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày, cộng thêm diễn biến dịch khá bất ngờ, một số người dân đã thay đổi kế hoạch, di chuyển lên Thủ đô từ sớm, cho nên giao thông không quá căng thẳng.
Một số điểm thường xuyên ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông đã chốt trực phân luồng như: tuyến đường Ngọc Hồi - Giải Phóng - Pháp Vân, khu vực Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát hay các lối xuống của đường Vành đai 3 trên cao tại Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến nên tình hình cũng tương đối trật tự. Tại các bến xe ở Hà Nội, dù lượng khách đổ về đông hơn bình thường, tuy nhiên không quá căng thẳng. Công tác kiểm soát hành khách được các bến xe thực hiện nghiêm túc, liên tục có hàng chục nhân viên đi kiểm soát, nhắc nhở. Tại hai bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, những hành khách không đeo khẩu trang được nhân viên kiểm soát yêu cầu đeo khẩu trang mới được ra khỏi bến xe.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phòng, chống dịch, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xâm nhập, lây lan qua các hoạt động vận tải. Khẩn trương triển khai phương án cung ứng vận tải và bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, phục vụ cao điểm du lịch hè 2021 và kỳ thi THPT quốc gia 2021 gắn với thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ và trên phương tiện vận tải.