Hà Nội nghiên cứu mô hình "thành phố trong thành phố"

Theo Quý Phi/kinhtemoitruong.vn

Mô hình “thành phố trong thành phố” của Hà Nội sẽ tập trung tại các khu vực như huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có thành phố mới Hòa Lạc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.

Tại tờ trình, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thành lập các thành phố Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Hòa Lạc trực thuộc.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4, phát triển đô thị 2 bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.

Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Bởi trên thực tế, vùng Thủ đô Hà Nội với diện tích 24.314,7km2, dân số khoảng 20 triệu người, có diện tích lớn hơn Vùng Thủ đô Tokyo (diện tích khoảng 14.000km2, dân số khoảng 38 triệu người) và lớn hơn Vùng Thủ đô Bangkok cả về diện tích và dân số (diện tích khoảng 7.762km2, dân số khoảng 16 triệu người), nhưng mới chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất...

Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, đô thị Hà Nội đã thay đổi diện mạo đáng kể. Tuy nhiên, từ đó đến nay có một số chỉ tiêu cần điều chỉnh cho phù hợp, đơn cử như chỉ tiêu quy mô dân số, chỉ tiêu đô thị hóa…

Định hướng điều chỉnh quy hoạch sẽ bao gồm hạn chế dân số nội đô, giảm dân số 4 quận nội thành. Đặc biệt là nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” tại các khu vực, phía Bắc có huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có thành phố mới Hòa Lạc và mô hình “thị xã trong thành phố” trên cơ sở sáp nhập một số huyện.

Trục sông Hồng sẽ được tập trung khai thác làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021 - 2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4. Các đô thị vệ tinh được rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch chung định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh); định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, gồm định hướng quy hoạch 12 chuyên ngành, ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; định hướng bảo tồn di sản.

Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

Trước đó, vào tháng 10/2021, tại Hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với phát triển đô thị thành phố Hà Nội” do UBND TP. Hà Nội tổ chức, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã đưa ra những định hướng lớn trong việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số "thị xã mới trong thành phố".

Đánh giá cho thấy, hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa của cả 5 huyện nói trên còn đang rất thấp, như huyện Hoài Đức chỉ đạt 2,4%, cao nhất là huyện Gia Lâm cũng chỉ đạt 15,7%, Đông Anh đạt 6,7%. Các dự án phát triển đô thị chậm triển khai, sử dụng đất đai đô thị theo quy hoạch còn chưa hiệu quả, cho thấy nền tảng để hình thành quận tại các huyện này còn thấp.

Đáng chú ý, vốn đầu tư sẽ phải tập trung cho đô thị trung tâm (bao gồm cả phần mở rộng của các huyện nằm ngoài vành đai 4), ước tính khoảng gần 24 triệu tỷ đồng, tăng 26% tổng mức đầu tư theo quy hoạch, trong khi mật độ dân số lại giảm xuống 24% còn 6.800 người/km, chỉ bằng khoảng 50% chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13.