Hai kiến nghị về thuế cho quỹ mở
Nên miễn thuế hoặc nếu chưa được, cần sửa đổi cách đánh thuế theo hướng công bằng và đơn giản hơn. Hai nội dung này vừa được các thành viên thị trường đề xuất áp dụng đối với quỹ mở (QM), nhằm khuyến khích QM phát triển trong giai đoạn đầu rất khó khăn hiện tại.
Tại Hội nghị tập huấn chế độ kế toán áp dụng đối với QM, do Bộ Tài chính vừa tổ chức, nhiều thành viên thị trường cho biết, theo thông lệ quốc tế, trong vài năm đầu, các nước thường áp dụng chính sách miễn thuế đối với QM, để tạo động lực khuyến khích QM phát triển.
Với thực tế tại Việt Nam , việc miễn thuế mang lại lợi ích kép. Thứ nhất, miễn thuế tạo động lực phát triển QM khi nó đang chập chững những bước đi đầu tiên trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thứ hai, miễn thuế tạo sức hấp dẫn cho QM trong thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, góp phần huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn.
“Khi cân nhắc các căn cứ và lý lẽ để đưa ra quyết định miễn thuế cho QM, không nên nhìn nhận việc này chỉ đơn thuần tạo thuận lợi cho QM hoạt động hiệu quả, mà cần nhìn rộng hơn về lợi ích mà doanh nghiệp (DN), cũng như nền kinh tế được thụ hưởng khi QM phát triển nhanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu...”, bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính nhìn nhận, đồng thời phân tích, QM phát triển nhanh và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc huy động vốn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang ưu tiên thúc đẩy tái cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ theo hướng phát triển hiệu quả hơn để TTCK sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế.
Kết quả nghiên cứu mới nhất về kinh nghiệm phát triển QM của nhiều nước trên thế giới do Vụ Quản lý quỹ, UBCK thực hiện cho thấy, động lực quan trọng nhất để nhà đầu tư (NĐT) chọn hình thức đầu tư qua QM là ưu đãi thuế. Ngay cả các thị trường lân cận có tính cạnh tranh cao hơn rất nhiều so với Việt Nam trong thu hút NĐT nước ngoài, cũng như hệ thống QM đã có chiều sâu phát triển như Thái Lan, Indonesia, Philippines… cũng đang triệt để sử dụng công cụ thuế, nhằm hút vốn cho QM. Với tiêu chí đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp, dòng vốn từ QM chảy ổn định hơn qua TTCK để đến với DN, nền kinh tế, chứ không chịu nhiều biến động bởi dòng vốn do số đông NĐT nhỏ lẻ như ở Việt Nam hiện tại.
Ngược lại, việc duy trì chính sách thuế hiện hành đối với QM mang lại thiệt hại kép. Đó là, không tạo ra động lực khuyến khích QM phát triển, đồng thời nhiều khả năng cũng không thu được thuế, bởi kinh nghiệm quốc tế đặt vào bối cảnh khó khăn của nền kinh tế Việt Nam hiện tại cho thấy, trong khoảng 2 - 3 năm đầu, các QM cố gắng lắm may ra mới kiếm được vốn hoạt động, nói gì đến có lãi để đóng thuế.
Bất cập, bao giờ sửa?
Trường hợp chưa thể miễn thuế, để phần nào tạo thuận lợi cho QM phát triển, các thành viên thị trường kiến nghị, cần điều chỉnh chính sách thuế đối với QM theo hướng: khắc phục tình trạng đầu tư qua quỹ chịu thuế cao hơn so với hình thức trực tiếp đầu tư vào thị trường. Cũng cần điều chỉnh cách đánh thuế đối với QM như một tổ chức kinh doanh, mặc dù nó không có tư cách pháp nhân.
Để cụ thể hóa hướng điều chỉnh trên vào luật, bà Hòa đưa ra đề nghị khá táo bạo. Đó là đưa QM vào đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập DN, khi luật này đang trong quá trình sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra. Theo hướng này, cách đánh thuế đối với QM sẽ đơn giản hơn nhiều so với hiện tại. Thuế sẽ được đánh trên lợi nhuận có được sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí. Cơ sở để thực hiện cách này là việc ghi nhận doanh thu, chi phí hoạt động của QM hoàn toàn khả thi, minh bạch theo quy định tại Thông tư 198/2012/TT-BTC về Chế độ kế toán áp dụng đối với QM.
Ủng hộ quan điểm cần khuyến khích QM phát triển trong giai đoạn đầu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay, trên cơ sở ý kiến của các thành viên thị trường, Vụ sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tính toán phương án khả thi nhất để đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định hình thức ưu đãi về thuế phù hợp áp dụng đối với QM. Qua đó, không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành quỹ, TTCK, mà quan trọng hơn là giúp nền kinh tế, DN huy động vốn tốt hơn.