Hai nửa bộ mặt công ty chứng khoán 2013
(Tài chính) Hiện đã có khá nhiều công ty chứng khoán (CTCK) công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2013 với sự phân hóa khá mạnh về kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý, dù thị trường chứng khoán (TTCK) tương đối khởi sắc, nhưng lại có những công ty bất ngờ thua lỗ nặng trong quý IV.
CTCK lỗ quý IV, do đâu?
Gây chú ý nhất là CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) khi công ty này bất ngờ báo lỗ gần 130 tỷ đồng trong quý IV/2013 do doanh thu tự doanh giảm 95% cùng kỳ năm trước đó. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2013, ACBS vẫn lãi sau thuế hơn 90 tỷ đồng.
Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS cho biết, nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ lớn trong quý IV là do Công ty thực hiện “cắt lỗ” một số danh mục đầu tư để làm “sạch” báo cáo tài chính. Theo ông Khôi, Công ty nhận thấy những khoản mục đầu tư này khó có thể sinh lời trong tương lai nên chấp nhận bán lỗ để cơ cấu lại danh mục. Điển hình như việc ACBS đã bán cắt lỗ toàn bộ hơn 3 triệu cổ phiếu CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) theo phương thức thoả thuận.
CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR) cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 9 tỷ đồng trong quý IV/2013. Theo AGR, trong quý này, doanh thu của Công ty sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2013 (79 tỷ đồng); còn chi phí lên đến 91 tỷ đồng, trong đó chi phí hoạt động chiếm hơn 80 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 11 tỷ đồng. Lũy kế năm 2013, AGR đạt lợi nhuận sau thuế gần 20 tỷ đồng, giảm mạnh 70% so với năm 2012, các mảng doanh thu môi giới, tự doanh đều giảm mạnh.
Là CTCK 100% vốn nước ngoài, CTCK Maybank Kimeng (MBKE) cũng vừa công bố lỗ hơn 9 tỷ đồng trong quý IV và lỗ gần 20 tỷ đồng trong năm 2013. Theo MBKE, hiện Công ty không tham gia tự doanh mà nguồn thu đều đến từ hoạt động môi giới, mặc dù doanh thu môi giới quý IV và cả năm vẫn duy trì được mức ổn định, nhưng các khoản chi phí tăng mạnh so với cùng kỳ dẫn đến kết quả cả năm thua lỗ.
Trong khi đó, những CTCK nhỏ CTCK Đà Nẵng (DNSC), CTCK Kenanga Việt Nam (KVS)… dù công bố lỗ trong quý IV/2013 lại không khiến nhiều người bất ngờ, bởi các khoản chênh lệch lỗ lãi của các CTCK này trong từng quý là không lớn.
Nhiều CTCK vượt kế hoạch
Ở bức tranh sáng sủa hơn, TTCK năm 2013 đã có những bước khởi sắc đã giúp nhiều CTCK đạt được lợi nhuận tương đối khả quan. CTCK Sài Gòn (SSI) vừa công bố đạt lợi nhuận sau thuế gần 372 tỷ đồng, cao nhất trong khối CTCK tính đến thời điểm hiện tại.
CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) dự kiến đạt khoảng 282 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013, tăng khoảng 14,5% so với năm 2012 và vượt gần 20% kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Đặt kế hoạch tương đối “khiêm tốn”, năm 2013, CTCK Vietcombank (VCBS) đạt doanh thu 238 tỷ đồng, vượt 27% chỉ tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế của công ty này đạt 90 tỷ đồng và lãi sau thuế là 67 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch.
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, ước lợi nhuận sau thuế năm 2013 ước đạt 124,4 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ 2012. Theo lãnh đạo VND, kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2013 chủ yếu đến từ các hoạt động môi giới chứng khoán và tự doanh. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán của VND ước đạt khoảng 83 tỷ đồng.
Năm 2013, CTCK Bảo Việt (BVSC) đạt 85,7 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 11% kế hoạch năm. Đại diện BVSC cho biết, thị trường khởi sắc trong năm qua là một trong những nhân tố giúp Công ty có kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Xây dựng kịch bản 2014
Ông Phạm Phú Khôi cho biết, trong năm 2014, với nhận định thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn, HĐQT ACBS đã đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 150 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương với mức tăng 40% so với năm 2013. CTCK MB (MBS) cũng đặt mục tiêu trong năm 2014 sẽ tăng trưởng hầu hết các chỉ tiêu như doanh thu tăng 30%, thị phần môi giới tăng từ 15% đến 20% và đặc biệt, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 100% so với năm 2013, dao động trong khoảng 40 - 50 tỷ đồng. CTCK Vietcombank (VCBS) đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2014 tăng khoảng 25% so với thực hiện của năm 2013, tương đương trên 110 tỷ đồng…
Có thế thấy, với nhiều yếu tố để hy vọng về một bức tranh TTCK sáng sủa hơn trong năm 2014, nên dễ hiểu khi đa số CTCK đều mạnh dạn đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng so với năm 2013. Tuy nhiên, với hiệu quả kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường nên chỉ một con sóng mạnh của TTCK cũng có thể bất ngờ làm thay đổi cục diện kết quả kinh doanh của các CTCK tùy theo khả năng “đón sóng” của từng đơn vị.