Hải quan Quảng Ninh đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu
(Tài chính) Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp nhằm giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Thông qua hội nghị, cơ quan hải quan tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp các thông tin về các chính sách pháp luật, quy trình thủ tục hải quan mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện và đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Tham dự hội nghị, các doanh nghiệp đã được đại diện lãnh đạo các phòng, ban thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh giới thiệu một số nội dung mới của: Luật Hải quan năm 2014, những điểm mới của Nghị định 187/2013/NĐ-CP, điểm mới của Thông tư 126/2014/TT-BTC và Thông tư 94/2014/TT-BTC và những quy định mới liên quan tới công tác quản lý rủi ro trong Hệ thống VNACCS/VCIS…
Nội dung được các doanh nghiệp mong đợi nhất là đối thoại trực tiếp với cơ quan Hải quan. Mở đầu phần đối thoại, đồng chí Nguyễn Văn Nghiên – Cục phó Cục Hải quan tỉnh cởi mở chia sẻ: “Với mong muốn có thể ghi nhận và giải đáp tốt nhất những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chúng tôi mời tới Hội nghị đồng chí Âu Anh Tuấn – Cục phó Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), đồng chí Phạm Ngọc Thủy – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, đại diện Công ty Thái Sơn”.
Cục phó Cục Hải quan tỉnh cũng đề nghị đại diện các doanh nghiệp thẳng thắn, cởi mở trong trao đổi những khó khăn, vướng mắc của mình: “Ngoài khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền giải quyết của Cục Hải quan tỉnh, chúng tôi cũng muốn nghe thêm những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đang tác động tích/ tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp; đặc biệt là thái độ hỗ trợ của cán bộ công chức hải quan trực tiếp làm thủ tục. Mọi ý kiến của doanh nghiệp sẽ được cơ quan hải quan ghi nhận trung thực, và giải quyết theo thẩm quyền hoặc trao đổi, kiến nghị với các cơ quan chức năng để giải quyết”.
Đại diện Công ty Dầu thực vật Cái Lân, ông Trần Quốc Khánh cho biết: trong quá trình làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp được cán bộ hải quan hỗ trợ tận tình, doanh nghiệp không gặp bất kỳ khó khăn nào tới từ hải quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đang gặp vướng mắc liên quan tới quy định về C/O.
Theo ông Khánh, Công ty Dầu thực vật Cái Lân hiện đang nhập dầu từ các nước Indonesia, Malaysia về Việt Nam. Theo quy định hiện hành, để được hưởng ưu đãi, trước khi nhập cảng, doanh nghiệp phải cung cấp C/O mẫu D bản gốc. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian tàu về tới cảng Cái Lân mất 5 ngày trong khi C/O gốc sẽ về sau từ 3-4 ngày. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải cử cán bộ sang Malaysia, Indonesia lấy C/O gốc theo đường hàng không để kịp khớp thời gian tàu cập cảng.
Thực tế này đang khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong bố trí nhân lực, chi phí đi lại (3-4 lần/ tháng). Đại diện Công ty Dầu thực vật Cái Lân đề xuất Cục Hải quan tỉnh kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cho doanh nghiệp được nộp bản sao C/O trước, sau đó sẽ bổ sung bản gốc.
Trước vướng mắc này của Dầu thực vật Cái Lân, ông Âu Anh Tuấn cho biết: “Theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Thông tư 21 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi bắt buộc phải cung cấp C/O mẫu D bản gốc. Tuy nhiên, cũng theo quy định, các nước có thể cấp C/O trước khi xuất hàng nên Công ty Dầu thực vật Cái Lân có thể liên hệ với phía Malaysia, Indonesia để được cấp C/O bản gốc trước”.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Dầu thực vật Cái Lân cho hay, doanh nghiệp cũng đã làm việc với phía đối tác đề nghị được cấp C/O bản gốc trước, nhưng, hàng hóa nhập của công ty thuộc nhóm hàng lỏng nên việc cấp C/O bản gốc trước gặp khó khăn.
Để giải quyết vướng mắc trên cho Công ty Dầu thực vật Cái Lân, đồng chí Nguyễn Văn Nghiên đề nghị Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan ghi nhận và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Liên quan tới những khó khăn khi tham gia hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa, đại diện Công ty TNHH Thương mại và kho vận Devyt, ông Nguyễn Minh Châu đề xuất Cục Hải quan tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan sớm có chính sách phù hợp với loại hình TNTX để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với những khó khăn mà Công ty Devyt cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang tham gia hoạt động TNTX hàng hóa gặp phải trong thời gian qua, đại diện Tổng cục Hải quan, ông Âu Anh Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng như nhiều ban, ngành liên quan cũng đã có các kiến nghị phù hợp để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia TNTX hàng hóa, vừa đảm bảo quản lý XNK an toàn. Ghi nhận kiến nghị từ đại diện Devyt, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thiết thực gỡ khó cho doanh nghiệp.
Đến từ Công ty Xăng dầu B12, ông Mạnh Hùng, đại diện doanh nghiệp đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ của cán bộ công chức Hải quan Quảng Ninh nói chung, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai – nơi doanh nghiệp trực tiếp làm thủ tục nói riêng.
Ông Hùng nhấn mạnh, đặc biệt từ khi ngành Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh triển khai vận hành chính thức thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí liên quan.
Tại Hội nghị đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc khác của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hoàn thuế, … cũng đã được đại diện Tổng cục Hải quan, Sở Công thương, Cục Hải quan tỉnh hướng dẫn tháo gỡ hoặc ghi nhận để đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
* Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp là một trong những hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp đang được Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai thực hiện. Ngoài việc tổ chức hội nghị thường niên cấp Cục, tại các Chi cục, các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cũng được tổ chức theo kế hoạch. Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên, trực tiếp, đảm bảo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, với hoạt động hiệu quả của Tổ tư vấn hải quan – doanh nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS cũng đã và đang được thực hiện kịp thời.
Nhờ thực hiện tốt mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp đã góp phần tác động tích cực tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Tính đến ngày 15/10/2014, Hải quan Quảng Ninh đã thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 14.228,6 tỷ đồng, đạt 75,9% kế hoạch năm và đạt 73,34% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013.