Hãm phanh nợ xấu ngân hàng

VnEconomy

Nợ xấu ngân hàng là một nội dung chính được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tại kỳ họp khai mạc hôm 22/10.

Hãm phanh nợ xấu ngân hàng
Sau khi tăng mạnh trong quý 1/2012 so với cuối 2011, nợ xấu đã giảm tốc rõ rệt trong quý 2/2012 - Minh họa: Khều.
Cụ thể, theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đối với các khách hàng vay được chọn mẫu của 56 tổ chức tín dụng, đến 30/6/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 8,82% tổng dư nợ cấp tín dụng, tăng 23,53% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, số báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6 nợ xấu là 4,49%.
Sau lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại kỳ họp Quốc hồi tháng 5/2012, sau đó là tại cuộc trao đổi cụ thể với báo giới, những con số trên là lần cập nhật tổng thể một cách chính thức và gần nhất.

Có hai điểm rút ra từ dữ liệu trên.

Thứ nhất, vẫn có hai con số thống kê chênh nhau lớn, đã được giải thích và con số của Ngân hàng Nhà nước tỏ ra sát thực hơn. Thứ hai, tốc độ gia tăng nợ xấu ở kỳ cập nhật mới nhất là rất đáng chú ý.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2012 nợ xấu của hệ thống là 8,6%. Đến cuối tháng 6/2012 nợ xấu là 8,82%, tức chỉ tăng rất nhẹ 0,22%, lại gắn với quý 2 - quý mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Hãm phanh nợ xấu ngân hàng - Ảnh 1Tốc độ gia tăng nợ xấu đã chậm lại, có thể dự tính những gì khó khăn nhất đã diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục có cải thiện. Các tổ chức tín dụng nhìn chung đã thực hiện trích lập dự phòng tốt hơn - Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Nên nhìn nhận diễn biến trên như thế nào?

Sau khi tăng mạnh trong quý 1/2012 so với cuối 2011, nợ xấu đã giảm tốc rõ rệt trong quý 2/2012. Qua đó có thể hy vọng những gì xấu nhất của nợ xấu đã thể hiện.
Theo phân tích của Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, có một số yếu tố chính tác động tích cực đến nợ xấu và xử lý nợ xấu trong những tháng gần đây.
Thứ nhất, đầu quý 2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 870/QĐ-NHNN, tạo khung pháp lý và cơ sở để các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ, mà trọng tâm là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, triển vọng hồi phục sản xuất kinh doanh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Hướng xử lý này đã cho kết quả nhanh chóng và dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có báo cáo cụ thể.
Thứ hai, nợ xấu gắn với những chuyển động của kinh tế vĩ mô, mà theo ông Nghĩa cụ thể là lượng hàng tồn kho. Từ quý 2/2012 trở lại đây, dù vẫn còn ở mức cao nhưng thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho so với cùng thời điểm năm trước đã có xu hướng giảm: 1/3 tăng 34,9%, 1/4 tăng 32,1%, 1/5 tăng 29,4%, 1/6 tăng 26%, 1/7 tăng 21%, 1/8 tăng 20,8% và đến 1/9 tăng 20,4%.
“Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu là hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng lượng hàng tồn kho, qua đó kích thích dòng tiền và khả năng trả nợ của họ tốt hơn. Đây cũng là một trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước triển khai thời gian qua”, ông Nghĩa nói.
Hãm phanh nợ xấu ngân hàng - Ảnh 2Tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Trong báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, từ nay đến Tết âm lịch Chính phủ phải khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. “Tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu”.
Thứ ba, sau loạt 5 lần liên tiếp giảm các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay từng bước xuống mức thấp, giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp cũng như bớt áp lực gia tăng nợ xấu. Độ trễ tác động của giảm lãi suất đã được rút ngắn. Đặc biệt từ 15/7, với chủ trương hạ lãi suất cho các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm, tác động tích cực của yếu tố này sẽ tiếp tục thể hiện.
“Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm nợ xấu có giảm được hay không vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự chuyển biến của kinh tế vĩ mô, đặc biệt vẫn là vấn đề hàng tồn kho. Theo tôi, giảm được hàng tồn kho là con đường ít tốn kém chi phí trong xử lý nợ xấu hiện nay”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Trong đề nghị trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, thời gian tới cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, mở các đợt bán giảm giá thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy, hải sản; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhất là những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa trong nước.
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ. Các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nắm quyền chi phối phải chấp hành nghiêm và gương mẫu chia sẻ những khó khăn cùng doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng cần nhận thức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng mình.
Trong năm 2013, theo Ủy ban Kinh tế, cần tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, trong đó cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán.